Nghề báo: Rộng cửa, rủi ro cao, khắc nghiệt nhiều

Nghề báo: Rộng cửa, rủi ro cao, khắc nghiệt nhiều

Nghề báo với tính năng động và tiếp xúc rộng, thời gian gần đây luôn hấp dẫn nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, thực tế đây cũng là một nghề rủi ro cao và khắc nghiệt.

Trầy trật

Nhu cầu về một người có đủ “bản lĩnh” làm báo với SV báo chí mới ra trường (có trình độ chính trị, kiến thức tốt về một chuyên môn sâu, có kĩ năng nghiệp vụ báo chí và ngoại ngữ tốt), ông Phạm Văn Nhứt, Trưởng Phòng Tổ chức Nhân sự báo Tuổi Trẻ, cho rằng: “rất hiếm”.

Ông Nhứt cho biết: trong đợt tuyển phóng viên gần đây nhất (tháng 4/2008), ứng viên được tuyển chọn đều là các phóng viên, cây bút đã có kinh nghiệm, từng làm báo.

Cho đến nay, hình thức cộng tác viên thường xuyên (CTVTX) vẫn là một nguồn cung cấp nhân lực chính cho Tuổi Trẻ.

Đây là những bạn trẻ đa số học từ trường ĐH chuyên ngành báo chí, sau một quá trình khẳng định sẽ được nhận vào làm có chế độ, với các điều kiện làm việc như một phóng viên. “Với mô hình vừa học vừa làm này, khi ai chín muồi rồi, chúng tôi sẽ phát triển thành phóng viên tập sự, rồi phóng viên chính thức!” – ông nói.

Thực tế, nhiều cây bút hiện nay của Tuổi Trẻ đã phải “trầy da tróc vảy” lăn lộn, tự khẳng định mình trong đời sống thông tin 3, 4 năm trời, thậm chí là 5 năm thử thách mới chính thức được trở thành phóng viên của báo.

Những năm gần đây, do nhu cầu tăng kì liên tục, mỗi năm báo Pháp luật TP.HCM đều phải mở lớp đào tạo phóng viên. Tuy chỉ đào tạo ngắn hạn (6 tháng), nhưng dù là SV mới ra trường hay đã đi làm, ứng viên muốn trở thành phóng viên báo cũng phải “lăn lộn” như ai.

“Sau khi trải qua thi vấn đáp (về kiến thức pháp luật, xã hội, kiến thức và năng khiếu báo chí) và viết, trở thành học viên lớp đào tạo, lại phải trải qua ba giai đoạn học, thực tập, làm phóng viên tập sự rồi mới vào chính thức” – ông Đức Hiển, quyền Tổng thư kí tòa soạn tờ báo cho biết.

Bình thường, mỗi đợt tuyển có khoảng 150 người dự thi, tuyển 60 người tham gia lớp học và cuối cùng chọn được khoảng 10 phóng viên.

Sinh viên luyện tập kỹ năng

Rộng cửa

Không kén cá chọn canh, cứ phải là dân học chuyên ngành báo chí ra mới làm báo được, nghề báo mở rộng cửa với mọi ngành nghề. Nhưng, những ai có năng khiếu mới trụ lại được.

Theo ông Hiển, trước đây, báo Pháp luật TP.HCM chỉ có 10% phóng viên học báo chí ra. Hiện nay, số này chiếm khoảng 40%, số còn lại tốt nghiệp các trường đại học khác, chủ yếu là luật. Càng về sau, lượng SV báo chí càng nhiều.

Còn ông Nhứt cho biết: trong lực lượng phóng viên Tuổi Trẻ khoảng 90 người hiện nay, chỉ những năm gần đây, đa số mới tốt nghiệp từ ĐH chuyên ngành báo chí.

Không phải SV báo chí nào ra trường cũng làm nghề được.

Các tờ báo cũng tuyển được phóng viên mà không cần qua lớp đào tạo, nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một vài người đã là phóng viên báo khác, sau đó xin về, hoặc được mời về. Như ở Pháp luật TP.HCM, 90% phóng viên, biên tập viên có được là qua thi tuyển và đào tạo.

Theo các chuyên gia trong ngành, khi xã hội thông tin ngày càng phát triển và bùng nổ (mà bùng nổ thường đi với rối loạn), nhu cầu nhân sự trong nghề báo nói riêng và truyền thông nói chung luôn nhiều và cần hơn ở mức chuyên nghiệp.

“Không chỉ cần những điều kiện cơ bản như có năng khiếu/tố chất, lòng yêu nghề, khả năng ngoại ngữ, kĩ năng nghiệp vụ, một phóng viên cũng cần biết tự trang bị cho mình một kiến thức chuyên môn sâu thì mới giỏi được trong nghề” – nhiều tòa soạn báo tư vấn.

 

 

"Tại sao" và "khiêm tốn"

Chọn nghề báo, tức là đã sẵn sàng cho việc di chuyển và sử dụng toàn thời gian, bất kể sáng sớm hay đêm khuya. Sẽ không phải ai cũng chịu được áp lực này.

TS Huỳnh Văn Thông, Phó Khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH KHXH&NV TP.HCM cho rằng, do “lăn lộn” với một xã hội thông tin ngồn ngộn nên đòi hỏi SV phải có khả năng linh hoạt và thích ứng; bên cạnh đó là khả năng tư duy nhạy bén nắm bắt thông tin, thể hiện tư duy phản biện trước một thông tin, vấn đề.

Từng làm báo ở Sài Gòn trước giải phóng, nhà báo Trần Trọng Thức, Thư ký tòa soạn Thời báo Doanh nhân Sài Gòn cho rằng, nhà báo luôn phải thường trực câu hỏi "tại sao" và đầy lòng khiêm tốn.

Thực tế, SV học chuyên ngành báo ra sẽ khó chuyển đổi nghề, bởi trong tay không có một chuyên môn cụ thể. Trong khi đó, học những ngành nghề khác, bạn vẫn có cơ hội làm báo được.

Nguyên nhân, làm phóng viên thường theo mảng: pháp luật, kinh tế, văn hóa,v.v. Tuy nhiên, SV tốt nghiệp ngành báo chí ngoài được trang bị kiến thức cơ sở lý luận và những kĩ năng cơ bản, thì một chuyên môn sâu hoàn toàn là khoảng trống.

Người tốt nghiệp báo chí ra làm báo đều phải tự học và trang bị cho mình kiến thức trong mảng từ từ theo thời gian.

 

"Cứu mình trước khi trời cứu"

Ông Hiển cho biết, nhiều cử nhân báo chí viết không xong một cái tin, không làm được đề cương cho bài viết, sự kiện bé tẻo teo cũng viết vài ngàn chữ, không biết hỏi, bố cục một tấm ảnh… Lại cũng có nhiều bạn chọn làm nghề theo kiểu công chức, không hào hứng với thông tin…

TS Huỳnh Văn Thông cho rằng: hạn chế này là do thiết kế chương trình đào tạo hiện nay được định hướng trong một khuôn khổ pháp lý, thời gian nhất định; điều kiện tổ chức thực hành hiện nay trong nhà trường còn hạn chế.

Để SV báo chí  “rành” thêm một chuyên môn sâu ngay khi còn trên ghế nhà trường, ông Thông cho rằng, chương trình giáo dục đại cương cần phải có nhiều “cải cách” thật sự, tăng cường môn học tự chọn, để SV có thể linh động lựa.

“Bạn trẻ cần xâm nhập, cọ xát nghề nghiệp ngay từ lúc ở trường. Các tòa soạn báo luôn mở rộng cửa chờ đón tin bài cộng tác. Cần tự cứu mình trước khi trời cứu!” – ông Thông nói.

 

  • Lê Quỳnh

Nguồn VietNamNet