Hướng nghiệp Việt triển khai chương trình HƯỚNG NGHIỆP NGHỀ
Theo thống kê, mỗi năm có hơn nửa triệu học sinh bước vào đời mà chưa được trang bị hiểu biết về nghề nghiệp tương lai cho bản thân. Các em khủng hoảng về con đường tương lai với rất nhiều câu hỏi như: nên học ngành nghề gì khi mà điều kiện kinh tế gia đinh không tốt, năng lực không nổi trội? học ở đâu? nên đi học hay đi làm?...Và họ rất cần được tiếp cận thông tin, cần được hỗ trợ tư vấn, chỉ ra cho họ con đường phù hợp để theo đuổi. Biết tìm nơi nào để được định hướng và hỗ trợ đây?
====> Đăng ký tham gia tình nguyện viên tại đây
====> Các vấn đề chuyên môn được trao đổi tại diễn đàn
====> Trao đổi giữa các thành viên thực hiện (bao gồm tình nguyện viên) được thông qua chức năng Group facebook (nhóm kín).
Các hoạt động hướng nghiệp hiện nay dường như chỉ tiếp cận đến một lượng không lớn học sinh cuối lớp 12, và cũng chỉ có khả năng tiếp cận những đối tượng có điều kiện tiếp cận. Hoạt động hướng nghiệp dành cho các học sinh có điều kiện không thuận lợi (kinh tế gia đình khó khăn), năng lực không nổi trội (sức học không đạt khá giỏi)... lại càng ít hơn. Mặt khác, nguồn thông tin chi tiết về các nghề cung cấp đến học sinh cũng rất thiếu, độ tin cậy khó xác định… gây lúng túng cho học sinh và cả phụ huynh học sinh. Nơi nào giúp học sinh định hướng và tìm cơ hội nghề nghiệp vào đời (không có nhiều và rất khó kiếm)!
Sau khi có kết quả tuyển sinh CĐ - ĐH hàng năm, một lượng lớn thí sinh không đậu ĐH, CĐ rơi vào khủng hoảng. Thông tin cần thiết dành cho các đối tượng này rất thiếu, lại ít có đơn vị nào thực hiện công tác này. Các em rất cần được hỗ trợ thông tin và hỗ trợ tư vấn định hướng trong giai đoạn này.
Qua chương trình Hướng nghiệp NGHỀ, chúng ta sẽ giúp các em có được hiểu biết cần thiết về những nghề mà xã hội đang có nhu cầu hiện nay. Tư vấn giúp các em xác định định hướng phù hợp để theo đuổi một chuyên môn nghề nghiệp, (thay vì chọn hướng đi làm hoặc chọn đại nghề theo cảm tính). Cùng với đó, chúng ta cũng sẽ phối hợp để chỉ ra cho các em các đơn vị đào tạo có thể theo học. Và nỗ lực của chúng ta trong việc phối hợp với nhà trường hỗ trợ đầu ra cho các em.
Trong giai đoạn sau khi có kết quả tuyển sinh CĐ, ĐH, chúng ta hỗ trợ thông tin đến các em, tổ chức tư vấn giúp các em tìm hướng đi phù hợp.
I. NHẬN DIỆN VẤN ĐỀ
1. Tình hình chung
Theo điều tra của Viện Khoa học Giáo dục, hàng năm số lượng tuyển sinh vào bậc THPT có trên 400.000 HS, sau khi tốt nghiệp chỉ có 19,7% HS vào các trường ĐH, CĐ; 7,4 % vào các trường TCCN và chỉ có 4,9% học nghề. Như vậy, còn khoảng 200.000 – 300.000 HS THPT và 50.000 HS tốt nghiệp THCS bổ sung vào lực lượng xã hội mà chưa được đào tạo nghề. (Báo Giáo dục Tp.HCM – năm 2010)(1).
Hàng năm cả nước có hơn nửa triệu học sinh (HS) tốt nghiệp THCS không học tiếp lên THPT đi thẳng ra thị trường lao động mà không được trang bị kiến thức và kỹ năng làm việc. Đó là chưa kể số HS THPT rớt ĐH, CĐ vẫn không mặn mà với học nghề. (Báo Sài Gòn Giải phóng)(2).
Năm 2012 cả nước có 963.051 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT(3). Trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012, có khoảng 218.000 thí sinh trúng tuyển NV1 ĐH (4). Như vậy, có gần nửa triệu học sinh (5) buộc phải chọn các giải pháp khác, số này rất cần được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ tư vấn chọn hướng đi phù hợp, chọn học nghề.
2. Đánh giá sơ bộ nhu cầu và khả năng đáp ứng của các hệ thống hỗ trợ hiện nay:
2.1 Hệ thống hỗ trợ
Giáo dục hướng nghiệp đã được Đảng - Nhà nước, xã hội quan tâm và đã xác định tầm quan trọng của công tác này. Công tác hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc trong những năm vừa qua:
- Về sự quan tâm: giáo dục hướng nghiệp nhận được sự quan tâm của Đảng & Nhà nước, của Bộ giáo dục & Đào tạo. Đoàn và Hội liên hiệp Thanh Niên cũng có rất nhiều chương trình hướng nghiệp dành cho thanh niên các địa phương.
- Về lực lượng hướng nghiệp: hầu hết các trường phổ thông đều có bộ phận phụ trách hướng nghiệp và tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, giảng dạy hướng nghiệp, và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Ngoài ra, hoạt động hướng nghiệp còn nhận được sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội khác.
- Về đơn vị đào tạo nghề nghiệp: hệ thống các trường, các đơn vị đào tạo nghề nghiệp (ĐH, CĐ, TCCN, CĐ Nghề, TC Nghề, Trung tâm Hướng nghiệp & dạy nghề…) phát triển mạnh trong những năm vừa qua.
- Các chương trình tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp được các đơn vị như Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên, Báo Giáo Dục, các đơn vị tình nguyện… tổ chức rộng khắp tại các địa phương.
2.2 Một số vấn đề
Theo số liệu phần trên, có gần nửa triệu học sinh cần được hỗ trợ hướng nghiệp nghề nghiệp, hoặc cơ bản là thông tin về đào tạo nghề; tuy vậy học sinh tương đối khó khăn để tìm được đơn vị hỗ trợ tư vấn định hướng nghề.
Giai đoạn có ảnh hưởng lớn đến các đối tượng này hiện nay là trước và sau kỳ thi đại học cao đẳng, tuy nhiên hoạt động dành đối tượng này chưa đáp ứng đủ.
Ở một khía cạnh khác, nguồn thông tin chi tiết cung cấp đến học sinh và các đối tượng cần hướng nghiệp nghề cũng rất thiếu, độ tin cậy khó xác định… gây lúng túng cho học sinh và cả phụ huynh học sinh.
Đối tượng thanh niên nông dân và công nhân lao động chưa qua đào tạo kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp cũng chưa được quan tâm nhiều. Việc xây dựng các chương trình hướng nghiệp hỗ trợ đối tượng này "Rất cần thiết và cấp bách" (Báo Dân Trí).
Như vậy cần có thêm các hoạt động cần thiết để hỗ trợ hướng nghiệp nghề cho các đối tượng này.
2.3 Một khảo sát của Hướng nghiệp Việt
Để xác định nhu cầu học nghề thực tế, Hướng nghiệp Việt đã tiến hành tổ chức khảo sát thông tin trên website www.huongnghiepviet.com với câu hỏi:
Câu hỏi khảo sát: Bạn có theo học nghề không nếu nghề đó được đảm bảo ra trường có việc làm ( >4 triệu đồng), thời gian học chỉ 1 đến 2 năm?
Câu lựa chọn trả lời:
1. Tôi sẽ theo học nghề nếu đảm bảo điều kiện trên!
2. Tôi chỉ thi & học vào Đại học, Cao đẳng; không bao giờ học trung cấp nghề, nghề ngắn hạn.
3. Tôi sẽ theo học nghề và chờ cơ hội để học lên cao đẳng, đại học.
4. Đang còn phân vân.
Kết quả khảo sát sơ bộ:
Xem kết quả tại đây www.huongnghiepviet.com/v3/khao-sat-chon-nghe
32.1% : Tôi sẽ theo học nghề nếu đảm bảo điều kiện trên!
15.5%: Đang còn phân vân!
17.6 %: Tôi sẽ theo học nghề và chờ cơ hội để học lên cao đẳng, đại học.
Một số kết luận sơ bộ:
65.2 % có quan tâm đến định hướng nghề
47.5% có nhu cầu thực sự về tìm hiểu nghề, định hướng nghề, tư vấn nghề.
Trên cơ sở nhận diện tình hình chung và kết quả khảo sát sơ bộ về việc chọn học nghề (ở trên) cho thấy rằng nhu cầu được tìm hiểu, định hướng nghề nghiệp rất được quan tâm.
II. CHƯƠNG TRÌNH HƯỚNG NGHIỆP NGHỀ
Nhằm tham gia hỗ trợ phát triển công tác hướng nghiệp nghề cho học sinh và thanh niên, Hướng nghiệp Việt triển khai chương trình Hướng nghiệp NGHỀ hướng tới đối tượng học sinh THCS, THPT có thiên hướng học nghề, và thanh niên chưa có chuyên môn nghề nghiệp ổn định (công nhân, nông dân) có động lực và quyết tâm phát triển năng lực nghề nghiệp của bản thân.
Đối tượng tác động:
+ Học sinh có thiên hướng học nghề (học sinh có năng lực học tập không nổi trội, học sinh có điều kiện chưa được tốt, học sinh muốn được học nghề, học sinh thi rớt ĐH - CĐ... ).
+ Thanh niên chưa có chuyên môn nghề nghiệp ổn định, thanh niên nông dân – công nhân có động lực theo đuổi một ngành nghề.
Mục đích:
Tổ chức các hoạt động hướng nghiệp nghề và tư vấn hỗ trợ các đối tượng cần hướng nghiệp có được nhận thức nghề nghiệp, định hình được định hướng, hình thành động lực cần thiết để phấn đấu theo đuổi một chuyên môn nghề nghiệp vững vàng, tham gia lao động nghề nghiệp, từ đó có thu nhập ổn định.
Qua các hoạt động này, hướng nghiệp nghề góp phần phân bố hợp lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, định hướng được nguồn lao động ổn định với trình độ đáp ứng nhu cầu xã hội.
Với từng cá nhân, chương trình có nhiều ý nghĩa nhân văn và thiết thực giúp mỗi cá nhân có định hướng phù hợp để phát triển bản thân, tìm đến một tương lai tuơi sáng - tốt đẹp hơn bằng con đường bền vững là phát triển chuyên môn nghề nghiệp của cá nhân.
Những hoạt động này cũng phù hợp với định hướng quốc gia trong phát triển các hoạt động hướng nghiệp và đào tạo đội ngũ nhân lực trong thời gian sắp tới.
Mục tiêu:
- Xây dựng hệ thống thông tin nghề nghiệp để hỗ trợ quá trình nhận thức nghề nghiệp của học sinh và thanh niên. Cung cấp đến học sinh, thanh niên nhận thức về những đòi hỏi của xã hội đối với nghề nghiệp, nhận thức về thế giới nghề nghiệp, nhận thức về những đặc điểm cá nhân. Trong năm 2013-2014 chương trình nỗ lực xây dựng thông tin nghề nghiệp cho 10 ngành nghề mà xã hội đang cần nhu cầu nhân lực hiện nay.
- Tổ chức các chương trình hướng nghiệp nhằm khai sáng nghề, quảng bá nghề, nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh về việc học nghề. Thực hiện tư vấn nghề trực tiếp tại các trường trung học phổ thông. Trong năm 2013-2014 phấn đấu tổ chức 10-30 chương trình hướng nghiệp nghề trực tiếp tại các trường THPT, qua đó tiếp cận và hỗ trợ hướng nghiệp cho 10.000 học sinh .
- Xây dựng và cung cấp các công cụ hỗ trợ cho quá trình xác định và đưa ra quyết định chọn lựa nghề nghiệp: các công cụ trắc nghiệp, công cụ tra cứu thông tin tuyển sinh, thông tin nhu cầu nguồn nhân lực… Trong năm 2013-2014 hoàn thiện các công cụ trắc nghiệm định hướng nghề, hoàn thiện cập nhật thông tin tuyển sinh hỗ trợ cho quá trình tìm trường đào tạo nghề.
- Tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp nghề online: hỗ trợ học sinh/thanh niên trong quá trình tìm và đưa ra quyết định chọn nghề phù hợp. Trong năm 2013-2014 tổ chức tư vấn online từ 15/05 đến 30/09/2013; qua đó tiếp cận và hỗ trợ thông tin, hỗ trợ tư vấn cho 600.000 lượt học sinh.
III. HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ
1. Xây dựng hệ thống thông tin nghề nghiệp
Để giúp cho công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề đạt hiệu quả, cần xây dựng một hệ thống thông tin giới thiệu nghề nghiệp đầy đủ rõ ràng. Hệ thống thông tin nghề nghiệp cung cấp cho học sinh một hệ thống các kiến thức về nghề nghiệp phổ biến trong xã hội và của địa phương. Thông tin nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động hướng nghiệp nghề, là nền tảng quan trọng để triển khai các hoạt động phát triển nhận thức nghề, quyết định chọn nghề được triển khai trong các phần khác của chương trình.
Thành phần cốt lõi của hệ thống thông tin nghề nghiệp, rất cần thiết cho công tác tư vấn hướng nghiệp là bản mô tả nghề, hay còn gọi là bản họa đồ nghề. Bản mô tả nghề là công cụ giúp giải thích cặn kẽ về nghề, từ đó người chọn nghề sẽ có những định hướng cần thiết cho việc lựa chọn nghề của mình.
Trong năm 2013-2014 Hướng nghiệp Việt nỗ lực xây dựng thông tin nghề nghiệp cho 10 ngành nghề mà xã hội đang cần nhu cầu nhân lực hiện nay. Các thông tin nghề nghiệp sau khi được hoàn thành được công bố để sử dụng rộng rãi và sử dụng trong các hoạt động hỗ trợ hướng nghiệp nghề của Hướng nghiệp Việt.
2. Tổ chức các chương trình hướng nghiệp trực tiếp tại các trường THPT và địa phương
Các chương trình hướng nghiệp trực tiếp nhằm quảng bá nghề, nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh về vai trò và lợi ích việc học nghề.
Đồng thời, những hoạt động này là bước đầu để triển khai hoạt động nhận thức nghề nghiệp cho học sinh (khai sáng nghề, thông tin nghề) cung cấp cho học sinh những kiên thức về nghề nghiệp, khơi dậy ở các em nguyện vọng, hứng thú đối với những nghề mà các em có nhu cầu lựa chọn, giúp các em có ý thức tự giác, có vốn tri thức nghề nghiệp cần thiết trước khi đi tới quyết định chọn nghề của bản thân.
(Hoạt động nhận thức nghề nghiệp là một quá trình bao gồm nhiều khâu: khai sáng nghề, thông tin nghề, giáo dục nghề, chẩn đoán nghề, tư vấn nghề, lựa chọn nghề, tuyển chọn nghề và thích ứng nghề.)
Trong năm 2013-2014 phấn đấu tổ chức 10-30 chương trình hướng nghiệp nghề trực tiếp tại các trường THPT, qua đó tiếp cận và hỗ trợ hướng nghiệp cho 10.000 học sinh.
3. Xây dựng và cung cấp các công cụ hỗ trợ cho quá trình xác định và đưa ra quyết định chọn lựa nghề nghiệp
Quá trình ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp đòi hỏi nhiều nguồn thông tin khác nhau, bao gồm các bản trắc nghiệp xác định năng lực, tố chất cá nhân, thông tin tuyển sinh, cơ cấu phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, nhu cầu nhân lực xã hội, thông tin liên quan từ đơn vị đào tạo, và các chức năng hỗ trợ hướng nghiệp… Các phần này đều liên quan đến thông tin, dữ liệu… chính vì vậy, việc xây dựng một hệ thống thông tin bao hàm các nội dung trên là cần thiết để hỗ trợ quá trình hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp – tuyển sinh.
Trong năm 2013 – 2014:
- Hoàn thiện các các chức năng truy vấn thông tin tuyển sinh. Hoàn thiện cập nhật thông tin tuyển sinh trước tháng 5/2013 để hỗ trợ thông tin tuyển sinh cho giai đoạn trước và sau kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2013.
- Xây dựng và bổ sung các công cụ trắc nghiệm xác định năng lực và tố chất cá nhân.
- Thông tin về nhu cầu nhân lực hiện tại, cơ cấu phát triển nhân lực của các địa phương.
- Các chức năng tiếp nhận tư vấn trực tuyến.
5. Tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp nghề online
Thông qua các hoạt động online, Hướng nghiệp Việt kết nối cùng các tổ chức, cá nhân để cùng triển khai các hoạt động tư vấn hướng nghiệp nghề online. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các hoạt động online hiện nay là rất thuận lợi để có thể tiếp cận và hỗ trợ tư vấn đến một lượng đông đảo học sinh. Vì vậy, hoạt động tư vấn hướng nghiệp nghề online là cần thiết và không thể thiếu.
Trong năm 2013-2014 tổ chức tư vấn online từ 15/05 đến 30/09/2013; qua đó tiếp cận và hỗ trợ thông tin, hỗ trợ tư vấn cho 600.000 lượt học sinh.
IV. MỘT SỐ YÊU CẦU THỰC HIỆN:
- Các ngành nghề được chọn triển khai ưu tiên các ngành nghề xã hội đang có nhu cầu cao.
- Khâu tư vấn chọn trường ưu tiên giới thiệu các đơn vị có đảm bảo hỗ trợ đầu ra (việc làm) cho sinh viên.
Bao gồm các hoạt động để hỗ trợ được từng bạn có được định hướng, có được cơ hội để phát triển bản thân và công việc.