Công nhân đi học - Bài 1: Gian nan đường đến lớp
TT - Mỗi chiều tan ca, trong lúc không ít công nhân (CN) “ngồi đồng” ở quán cà phê hay cụng ly “dzô, dzô, dzô” nơi quán nhậu, cũng là lúc đồng nghiệp của họ còng lưng đạp xe đến các lớp học đêm những mong đổi đời. “Cực lắm, nhiều lúc muốn bỏ cuộc, nhưng biết chỉ như thế mới mong thay đổi nên phải cố sức” - một CN KCX Tân Thuận (Q.7, TP.HCM) mím môi cho biết.
Vòng quay bất tận
Một ngày của Quý (CN Công ty Juki VN, KCX Tân Thuận) bắt đầu từ... 3g sáng. Chong đèn học bài, làm bài tập đến 6g30, trên đường từ nhà trọ đến nhà máy Quý tạt xe vô lề đường mua gói xôi dằn bụng. Tan ca, bạn trẻ này về phòng trọ tắm rửa, ăn vội tô mì gõ bên vệ đường rồi chạy thẳng đến Trường CĐ Nguyễn Tất Thành. Còn Hữu (CN Công ty Towa), thức dậy từ lúc 4g30, phóng xe từ quận Gò Vấp xuống quận 7 để vào ca lúc 6g. Tan ca lúc 14g, Hữu khẩn trương về nhà học bài, làm bài tập để kịp vào lớp lúc 18g ở quận Thủ Đức (Trường ĐH SPKT TP.HCM).
Bữa nào tan ca sớm, Thành (bìa phải - công nhân Công ty Juki VN) lót dạ hủ tiếu gõ, tranh thủ đạp xe đến lớp - Ảnh: Thủy Ngọc
Với Thành (CN Công ty Juki VN), chuyện học hành khiến vợ chồng anh chỉ gặp mặt nhau lúc 22g. Cũng dễ hiểu, mới sáng ra là cả hai lo vào ca, về đến nhà trọ Thành ráo riết ôn bài và đi học đến 21g30 mới về. Cùng vợ ăn vội chén cơm, Thành lại lo ôn bài, làm bài tập. Bữa nào bà xã tăng ca thì cả hai ra đầu hẻm ăn hủ tiếu gõ. Trọ ở quận 7 nhưng Thành học trung cấp điện tử ở quận Gò Vấp, xa hàng chục kilômet. Bữa nào được đổi ca về sớm, Thành tranh thủ đạp xe đi học sớm hơn một chút để tiết kiệm ít tiền xăng. “Đi học thế này tội nghiệp bà xã quá, mới cưới hai tháng...” - Thành bộc bạch.
Tương tự, Thu Hà (CN Công ty bút bi Bến Nghé) thức dậy từ 5g để giặt giũ, vệ sinh chỗ trọ, ăn sáng rồi vào ca lúc 7g. Giờ nghỉ trưa, trong lúc các CN khác ngả lưng chợp mắt hoặc túm tụm “tám” thì Hà tranh thủ “gạo” bài. Tan ca, cô đạp xe đến lớp. Tan học, trên đường về nhà trọ Hà tấp vô xe hủ tiếu gõ ven đường “ăn cực một chút để có thêm tiền đóng học phí”. Ngay trong đêm Hà xem lại bài vở và làm cho bằng hết bài tập về nhà mới yên tâm đi ngủ. Hà thú thật: “Vừa làm vừa học mệt đừ, ngả lưng xuống là ngủ ngay”.
Nhọc nhằn vượt “cửa ải”
“Mỗi thanh niên phải luôn rèn luyện, phấn đấu, vươn lên trong học tập, lao động và cuộc sống, tích cực tham gia sự nghiệp CNH-HĐH; chủ động và không ngừng học tập, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghề; cần cù, chịu khó, sáng tạo, có tác phong công nghiệp trong lao động; vươn lên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng...”. (trích NQ số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008) |
Nói về chuyện học của mình, cô CN Thanh Phương (23 tuổi, KCX Linh Trung I) lè lưỡi: “Cam go lắm, phải vượt qua bốn cửa ải là tiền, sức khỏe, thời gian và... sếp”. Quả thật, với đồng lương chỉ 1,5 triệu đồng/tháng xem ra việc kiếm đủ vài triệu đóng học phí cho mỗi học kỳ là chuyện quá sức với CN. Thảo (CN Công ty Nidec Copal, người vừa được đoàn các KCX-KCN TP.HCM tuyên dương điển hình thanh niên tiên tiến tối 18-10 với thành tích vượt khó đi học, lao động sản xuất giỏi) từng phải ăn uống kham khổ, chi tiêu tằn tiện suốt hai năm mới dám nộp đơn dự tuyển vào khoa QTKD (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM). Vậy mà đến học kỳ thứ tư, bạn “đuối” quá nên phải vay mượn. “Đâu phải chỉ có học phí mà còn sách vở, đồ dùng học tập, tiền gửi xe” - Thảo cho biết.
Để hỗ trợ CN đi học, một số doanh nghiệp cho luân phiên ca, nhưng nhiều doanh nghiệp khác thẳng thừng từ chối. Tuy cực, song hầu hết CN rất muốn tăng ca để cải thiện thu nhập. Nhưng đã lỡ theo nghiệp học thì hãy quên chuyện đó. “Tăng ca thì bỏ học, không tăng ca thì bỏ tiền. Đổi ca hoài ngại lắm” - Quý than. Lương 1,3 triệu đồng/tháng, tăng ca thêm 300.000 đồng, trước đây mỗi tháng Quý gửi về gia đình 500.000 đồng, giờ thì căng quá. Còn với Quốc Sơn (CN Công ty VMMP), mức học phí 2,8 triệu đồng/học kỳ khiến anh ngất ngư. Sơn cho biết: “Đến kỳ đóng học phí là chạy đôn chạy đáo vay mượn, có lúc bí quá phải làm đơn xin khất nợ”.
Quốc Sơn (công nhân Công ty VMMP) vừa học vừa làm hi vọng đổi đời -Ảnh: Thủy Ngọc
Với vòng quay từ 6g-23g, có thể nói các CN trẻ ham học gần như không còn thời gian cho riêng mình. Cả ngày quần quật trong nhà máy, nên khi đến lớp không hiếm bạn không đủ sức nghe giảng bài; thức khuya học bài thì buổi sáng vào ca gật gù. Không chỉ thế, nhiều công ty cứ đổi ca liên tục khiến CN không thể theo học lớp cố định nào. Đã từng có một số CN phải bỏ học giữa chừng do ca kíp đảo lộn. Những lúc ấy họ phải lựa chọn: đi làm thì bỏ học, đi học thì bỏ làm. Ngoài ra, nhiều CN cho rằng thái độ của “ông chủ” (doanh nghiệp) mới là cửa ải lớn nhất cần vượt qua.
THÁI BÌNH - THỦY NGỌC
Nguồn Tuổi Trẻ Online