Đại học tư thục nên chuyên về 1 nghề

Đại học tư thục nên chuyên về 1 nghề

Hiến kế cho khối trường ĐH, CĐ ngoài công lập, một cách vô tình độc giả Nguyễn Ngọc Lâm có quan điểm khá tương đồng với một vị giáo sư đầu ngành - GS Nguyễn Lân Dũng.

 LTS: Trăn trở của những người đang trực tiếp xây dựng khối ĐH, CĐ ngoài công lập rất cần sự lắng nghe, thấu hiểu của Bộ GD&ĐT (xem thêm: Giáo dục ĐH ngoài công lập: Nói phải củ cải… có nghe?); nhưng không chỉ có vậy. Qua loạt bài phản ánh thực trạng và tâm tư, nguyện vọng của khối ĐH, CĐ ngoài công lập trên Giaoduc.net.vn vừa qua, nhiều bạn đọc đã thấu hiểu. Sau đây là bài viết công phu của bạn đọc Nguyễn Ngọc Lâm gửi Tòa soạn.

Trường ngoài công lập: Nên cải cách về tổ chức đào tạo

Để khối đại học ngoài công lập sớm thoát khỏi khó khăn và trở thành vững mạnh, trường tồn, trước tiên xin trao đổi 3 suy nghĩ mở đường:

- Một là nước ta muốn phát triển kinh tế theo chiều sâu phải ưu tiên đào tạo nhân lực cho lĩnh vực khoa học công nghệ vì trong lịch sử loài người, chỉ từ khi xã hội có dư thừa sản vật để trao đổi thì nghề buôn và các ngành dịch vụ khác mới xuất hiện. Do đó, trước tiên phải ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất vật chất và từ đó nên ưu tiên đào tạo nhân lực cho lĩnh vực khoa học công nghệ. Mặc dầu trong lĩnh vực này có những ngành nghề cụ thể đã bão hoà khả năng cung ứng nhân lực nhưng nhìn kinh nghiệm các nước khác thì đào tạo cho lĩnh vực khoa học công nghệ là mãi mãi trường tồn.

Nhiều trường đại học công nghệ tư thục của Pháp ra đời từ cách đây hàng trăm năm (như trường đại học điện Supelec, thành lập năm 1894 cách đây 119 năm) vẫn đang tồn tại và vẫn nổi tiếng về uy tín đào tạo. Đây là một trong những hướng để thoát ra khỏi khủng hoảng và để trường tồn.

 - Hai là chúng ta thường nhắc nhau đào tạo nhân lực phải thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động. Điều đó hoàn toàn đúng đối với các xã hội sau công nghiệp. Nhưng nền kinh tế của đất nước chúng ta là nền kinh tế thị trường sơ khai, mới bước vào quá trình công nghiệp hoá, do đó nên tư duy ngược lại là phải đào tạo mở rộng ra nhiều nghề và nhờ với chính sách khuyến khích của Nhà nước để thành lập nhiều Doanh nghiệp trên mọi khu vực nghề nghiệp khác nhau, từ đó tạo ra nhiều nhu cầu mới về nhân lực cho thị trường lao động. Đó là hướng thoát thứ hai.

- Ba là để được thị trường lao động tiếp nhận, phải đào tạo nhân lực theo những mẫu chuẩn chất lượng nhất định. Bất kể cơ sở đào tạo là công lập hay ngoài công lập, bất kể đào tạo theo loại hình nào cũng không được xa rời các mẫu chuẩn đó. Trong cuộc bình đẳng đua tranh về chất lượng đào tạo, các cơ sở chỉ có thể đào tạo tốt hơn chứ không thể đào tạo kém hơn các mẫu chuẩn đã được cơ quan quản lý giáo dục của quốc gia ban hành. Bộ Giáo dục là người thiết kế, ban hành các mẫu chuẩn, đồng thời là người giám sát các cơ sở đào tạo thi công theo các mẫu chuẩn. Thị trường lao động gồm các nhà tuyển dụng là người nghiệm thu cuối cùng và đánh giá chất lượng sản phẩm đào tạo.

Chúng ta nên điểm sơ qua về những nhược điểm đang tồn tại của hệ thống cơ sở đào tạo ngoài công lập: Do nhiều trường Cao đẳng và Đại học được ra đời chỉ trong một thời gian ngắn nên thiếu đủ mọi điều kiện cần thiết để đào tạo: thiếu giáo viên đại học, thiếu thư viện chuyên ngành, thiếu phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thực tập, thiếu cả năng lực tổ chức và quản lý. Từ đó, tìm ra cách thức tổ chức lại cho phù hợp hiện trạng, tránh bớt các nhược điểm có sẵn để chuyển đổi nhanh phương án chiến lược đào tạo là điều rất có ý nghĩa.

Chúng ta cũng nên tìm cách tận dụng những thuận lợi do các nền giáo dục của các nước phát triển đi trước ta đã tạo ra. Các nền giáo dục đó đã tạo được một số lượng nghề rất phong phú và đa dạng.

Ví dụ nước Pháp đến nay đã có 28 khu vực nghề nghiệp (secteur) bao gồm 525 nghề (métier) khác nhau, đang được đào tạo từ bậc nghề trung học đến bậc đại học (xem www.onisep.fr/). Để tận dụng thuận lợi đó không có cách nào khác là cử người đi học như người Nhật đã làm.

Nếu mỗi trường chuyên đào tạo cho 1 khu vực nghề nghiệp và đảm nhiệm cả 3 loại hình đào tạo (đào tạo từ ban đầu, đào tạo nối tiếp và đào tạo nghề cho những người chưa được đào tạo ban đầu) thì quy mô của mỗi trường đã khá lớn, tận dụng được giáo viên kiêm nhà nghiên cứu chuyên ngành, thư viện chuyên ngành, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành và thực tập chuyên ngành, đồng thời bớt gặp khó khăn về năng lực tổ chức và quản lý.

Kinh nghiệm ở Pháp, hầu hết các trường đại học tư thục đều đào tạo chuyên 1 khu vực nghề, với quy mô trong khoảng 2000 đến 4000 sinh viên (ví dụ trường tư thục có quy mô lớn nhất là đại học quản trị doanh nghiệp ESG Paris (www.esgms.fr/, với 4000 sinh viên).

 Tư duy về cách tổ chức nhà trường cũng nên linh hoạt. Đối với các nước phát triển, mạng lưới các trường nghề bậc trung học rất hoàn hảo cả về số lượng và chất lượng (chẳng hạn ở Pháp, năm 2011 đã có 1672 trường THPT dạy nghề, thu hút 701.900 học sinh theo học) nên các trường đại học ở Pháp không đào tạo nghề bậc trung học.

Ở nước ta chưa có mạng lưới đào tạo nghề bậc trung học hoàn hảo như thế nên trong 1 thời gian trước mắt, các trường Cao đẳng và Đại học ngoài công lập đào tạo cho khu vực nghề nào nên đảm nhận cả nhiệm vụ đào tạo nghề bậc trung học cho khu vực nghề nghiệp đó, nhằm tận dụng đội ngũ giáo viên chuyên ngành, các trang thiết bị dạy và học chuyên ngành như thư viện, phòng thí nghiệm, từ đó có thể tiết kiệm nhu cầu vốn đầu tư ban đầu, phát huy hiệu quả sử dụng các trang thiết bị của mỗi trường, đồng thời thuận lợi cho công việc đào tạo.

Cũng lấy ví dụ ở Pháp, riêng khu vực nghề viễn thông và mạng có 51 nghề khác nhau, bao gồm 1 nghề đào tạo ở trình độ CAP, 9 nghề đào tạo ở trình độ Bac Pro, 18 nghề ở bậc Cao đẳng Bac +2 và 4 nghề ở bậc Cử nhân Bac +3 và 19 nghề ở bậc Thạc sĩ Bac+ 5. Đặt tất cả các nghề đó trong 1 trường thì một số nghề trong đó có thể được đào tạo liên thông với những điều kiện nhất định trong trường đó, thuận lợi cả cho việc đào tạo và cho người học.

Cách tổ chức các trường đại học của Pháp (và nhiều nước khác) cũng đã có những cải cách linh hoạt so với trước. Chẳng hạn hiện nay, số lớn các trường đại học tổng hợp của Pháp (Université) thực chất là trường hỗn hợp, gồm trường Đại học tổng hợp là chính và một số trường thành viên tự chủ trực thuộc trường đại học tổng hợp , như trường đại học bách khoa (cùng đào tạo Tiến sĩ PhD), Viện đào tạo nhà quản trị doanh nghiệp, Viện Cao đẳng công nghệ IUT và có trường còn có cả Viện đào tạo giáo chức IUPM.

 

Phụ lục kèm theo:

Cách tìm danh mục 28 khu vực nghề nghiệp của Pháp. Tìm trên Internet theo 4 bước:

1 - Trước tiên mở websire ( http:// www.onisep.fr/)

2 – Click vào khung chữ DECOUVRIR LES MÉTIERS ( Tìm các nghề ) để tìm bảng danh mục các khu vực nghề nghiệp ( secteurs professionnels )

3 – Click vào từng SECTEUR để tìm bảng danh mục các nghề thuộc khu vực nghề nghiệp đó ( Les métiers par secteurs professionnels )

4 – Click vào tên từng nghề để tìm FICHE MÉTIER ( bảng mẫu chuẩn đào tạo nghề ).

Tổng số khu vực nghề nghiệp ở nước Pháp là 33, trong đó có 5 khu vực chưa ghi số nghề nghiệp là khu vực Tiếp thị ( Marketing ), khu vực Văn hoá ( Culture ), khu vực Xuất bản ( Edition), khu vực Du lịch ( Tourisme ), khu vực chế tạo vũ khí ( Armée ).

Còn lại là 28 khu vực với 525 nghề khác nhau . Hiện nay, Bộ Giáo dục quốc gia Pháp đang đào tạo nghề từ bậc trung học đến bậc đại học cho 28 khu vực nghề nghiệp này, gồm :

1)- Khu vực nông nghiệp: 15 nghề, 2)- Khu vực Hoá học và dược phẩm: 13 nghề , 3)- Năng lượng: 18 nghề , 4)- Bảo dưỡng máy móc: 23 nghề, 5)- Buôn bán : 26 nghề, 6)- Giáo dục: 15 nghề, 7)- Cơ khí: 24 nghề, 8)- Mỹ thuật và thiết kế: 12 nghề , 9)- Môi trường: 17 nghề , 10)- Mốt thời trang và dệt: 15 nghề,

11)- Audiovisuel: 16 nghề, 12)- Chế tạo tầu thuyền, đường sắt và hàng không: 37 nghề, 13)-Gốm sứ, thuỷ tinh: 21 nghề, 14)- Hành chính công: 20 nghề, 15)- Nghiên cứu khoa học: 18 nghề,16)- Kiểm toán và quản lý tài chính: 12 nghề, 17)- Khách sạn: 14 nghề, 18)- Chăm sóc sức khoẻ: 29 nghề, 19)- Ôtô: 18 nghề, 20)- Dịch vụ pháp lý: 15 nghề, 21)- Công nghiệp chế biến thức ăn: 13 nghề, 22)- Dịch vụ xã hội: 8 nghề, 23)- Ngân hàng và bảo hiểm: 20 nghề, 24)- Tin học và viễn thông: 51 nghề (Tin học 26, Viễn thông 25 ), 25)- Nghề gỗ: 13 nghề , 26)- Điện tử: 16 nghề, 27)- Xây dựng và kiến trúc: 16 nghề, 28)- Logistic và vận tải: 10 nghề.

Các bậc đào tạo nghề ở Pháp gồm :

Bậc trung học có CAP 2 năm (Certificat d' Aptitude Professionnelle), Tú tài nghề (Baccalaureat Professionnel viết tắt là Bac Pro) 3 năm, đào tạo tại các Lycée Professionnel, ra nghề là Kỹ thuật viên .

Bậc đại học có: Cao đẳng nghề 2 năm Bac+2 (DUT , BTS), Cử nhân nghề 3 năm Bac+3 (Licence Professionnelle ), Thạc sĩ chuyên ngành hoặc kỹ sư Bac+ 5, Tiến sĩ Bac+8.

Bac+ 8 là đào tạo 8 năm kể từ khi có bằng Tú tài Baccalaureat, tức là bằng tốt nghiệp THPT .

"Các trường giỏi cái gì mở cái đó, chắc chắn sẽ có nguồn tuyển sinh". Ví dụ thậm chí có thể mở những trường chuyên dạy trồng nấm, chuyên làm biogas v.v. hoàn toàn có thể được, và nếu làm được như vậy thì tình hình sẽ thay đổi hẳn.

Quan điểm của GS Nguyễn Lân Dũng, tại Hội thảo Giáo dục ĐH, CĐ ngoài công lập - Những bất cập từ góc độ chính sách. Xem chi tiết: Giáo dục ĐH ngoài công lập: Nói phải củ cải… có nghe?

Nếu mỗi trường chuyên đào tạo cho 1 khu vực nghề nghiệp và đảm nhiệm cả 3 loại hình đào tạo (đào tạo từ ban đầu, đào tạo nối tiếp và đào tạo nghề cho những người chưa được đào tạo ban đầu) thì quy mô của mỗi trường đã khá lớn, tận dụng được giáo viên kiêm nhà nghiên cứu chuyên ngành, thư viện chuyên ngành, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành và thực tập chuyên ngành, đồng thời bớt gặp khó khăn về năng lực tổ chức và quản lý.

Bạn đọc Nguyễn Ngọc Lâm

 

Theo Nguyễn Ngọc Lâm
Nguồn giaoduc.net.vn