Dạy nghề nông thôn: Chỉ tiêu cao, thành tích ảo
Báo cáo của các tỉnh, thành ĐBSCL cho thấy mỗi năm, số người được đào tạo nghề và giải quyết việc làm lên đến hàng chục ngàn người. Tuy nhiên, đằng sau thành tích ấn tượng ấy là nhiều câu chuyện cười ra nước mắt.
Học ba nghề vẫn không biết làm gì
Tiếp chúng tôi trong căn nhà tranh xập xệ, ông Phạm Hoàng Hà (ở ấp Thạnh Đông, xã Hỏa Lựu, TP.Vị Thanh, Hậu Giang), cho biết ông đã học 2 lớp dạy nghề nuôi trồng thủy sản và một lớp dạy trồng cam quýt. Nhưng hiện tại chưa áp dụng được nghề nào, gia đình vẫn sống nhờ vào vài công mía và mấy cây dừa. Cả 3 tấm giấy chứng nhận nghề đều được ông Hà giữ gìn khá cẩn thận, có tấm còn được đóng khung treo trên vách nhà.
Nhiều phụ nữ ở xã Phú Quới, H.Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long học nghề đan lục bình nhưng cuộc sống rất bấp bênh. Ảnh: Đình Tuyển.
Ông Hà cho biết thêm, quy định của đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mỗi người chỉ được học một nghề nhưng ai học xong mà không có việc làm, có thể làm đơn chuyển đổi để học nghề khác, tối đa một người học không quá 3 nghề. Khi học xong 2 lớp nuôi trồng thủy sản vẫn không vận dụng được nghề nên ông đã xin học thêm lớp trồng cam quýt.
“Tôi thuộc hộ cận nghèo nên mỗi khóa học một tháng cũng được 300.000 đồng. Chỉ có điều học xong rồi bỏ đó, chưa ứng dụng được gì. Chung lớp với tôi có 30 người thì chỉ khoảng 3-4 người theo nghề đã học”, ông Hà nói.
Chị Phạm Thúy An, con gái của ông Hà cũng trong tình cảnh tương tự. Chị An đã được cấp 3 chứng chỉ nghề gồm: sửa chữa điện thoại di động, cài đặt sửa chữa máy vi tính và làm vệ sĩ.
“Học cho vui chứ sửa điện thoại, máy tính mà học có 1 - 2 tháng thì làm được gì. Bây giờ đưa điện thoại hay máy tính cho sửa thì chịu thua”, chị An nói.
Cũng theo chị An, ở xã Hỏa Lựu còn không ít trường hợp như chị, học 2-3 nghề nhưng “treo” chứng chỉ, không tìm được việc làm. Nhiều trường hợp đăng ký học nghề với mong muốn có thể tìm được việc làm ổn định ngay trên quê hương mình, nhưng cuối cùng vẫn phải phiêu bạt tha hương tìm việc.
Anh Huỳnh Tín, từng học nghề ở xã Hỏa Lựu, hiện đang làm công nhân ở Bình Dương tỏ ra bức xúc: “Tôi thấy dạy nghề kiểu này mù mờ và lãng phí tiền nhà nước quá. Người cần học nghề đàng hoàng thì không có, học bập bõm không tới đâu, trong khi không ít người lại được vận động đi học chỉ để nhận tiền hỗ trợ”.
Phu hồ vẫn hoàn phu hồ
Để hiểu rõ hơn về hiệu quả của dạy nghề cho lao động nông thôn, chúng tôi đã tìm đến xã Phú Quới (H.Long Hồ, Vĩnh Long) - xã có vị trí giáp với Khu công nghiệp Hòa Phú cạnh QL1.
Nhờ nằm cận kề khu công nghiệp đang có nhiều công trình xây dựng nên số người trong xã sống bằng nghề phu hồ khá đông, trong đó không ít lao động là phụ nữ.
Từ năm 2010, khi đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được triển khai, nhiều phụ nữ trong xã đã hăng hái tham gia các lớp đan lục bình, nấu ăn, may công nghiệp với mong muốn có được công việc nhẹ nhàng phù hợp hơn.
Đơn cử như ấp Phước Bình A có gần 30 chị em làm phu hồ đăng ký học nghề đan lục bình để chuyển đổi nghề. Thế nhưng học xong, công việc đan lục bình bấp bênh, thu nhập không đủ sống nên hầu hết chị em lại phải quay về với cái nghề cực nhọc trước đây, số còn lại thì đi làm lúa, làm vườn mướn...
Bà Phan Thanh Vân, cán bộ phụ nữ ấp Phước Bình A, than vãn: “Đan lục bình nếu có việc làm thường xuyên cũng chỉ được vài trăm ngàn/tháng. Ai làm được một thời gian rồi cũng nản. Trong khi đi làm phu hồ mỗi ngày cũng còn đem về 120.000 đồng”. Cũng chính vì học nghề không hiệu quả nên việc vận động người dân đi học ngày càng thêm khó khăn.
Bà Võ Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phú Quới, cho biết năm 2012, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Hội Phụ nữ xã đã vận động được 2 lớp học nấu ăn và một lớp dạy đan lục bình. Đến nay, lục bình thì bí đầu ra, còn học nấu ăn chủ yếu chỉ để phục vụ gia đình.
“Tôi thấy kêu chị em đi học nghề mà không giúp họ tìm được việc ổn định rõ ràng mất uy tín quá. Năm 2013 này, Hội Phụ nữ xã không dám vận động mở lớp học nghề nữa”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần những người kiên trì học đủ chương trình ở lớp dạy nghề đều có chung tâm nguyện tìm được việc làm ổn định. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp tham gia các lớp học chỉ quan tâm đến tiền hỗ trợ.
Chị Ngọc (ở ấp 9, xã Vị Thắng, H.Vị Thủy, Hậu Giang) thừa nhận: “Nghe nói học nghề có tiền nên cũng đăng ký học đan lục bình nhưng chỉ có 10.000 đồng/ngày, không bằng tôi đi bán vé số”.
Thực tế hiện nay, tại hầu hết các vùng nông thôn ở ĐBSCL, việc mở lớp cũng như tạo việc làm cho lao động nông thôn đều rơi vào hoàn cảnh bế tắc, khó vận động người học đến lớp.
Đây là hệ quả của việc mở lớp dạy nghề không bám sát thực tế nhu cầu lao động ở địa phương cũng như nhu cầu học nghề thực sự của người dân; lớp học mở ra nặng tính chất hô hào, chạy theo chỉ tiêu.
Cần bám sát nhu cầu thực tế Theo Bộ LB-TB-XH, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2010 - 2020 có tổng kinh phí thực hiện gần 25.980 tỉ đồng. Năm 2013, cả nước đặt mục tiêu dạy nghề cho khoảng 600.000 lao động. Theo báo cáo sơ bộ của 63 tỉnh, thành, đến hết năm 2012, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho gần 485.000 lao động nông thôn. Ở vùng ĐBSCL, số lao động được đào tạo nghề cũng lên đến hàng chục ngàn người. Tuy hiệu quả thực tế chưa cao nhưng năm 2013, mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL vẫn rất cao. Cụ thể, năm nay Vĩnh Long phấn đấu đạt chỉ tiêu đào tạo nghề cho 17.400 lao động; TP.Cần Thơ dự định đào tạo 5.750 lao động (nhiều hơn năm trước 750 lao động), Hậu Giang cũng đặt chỉ tiêu trên 8.000 lao động... Đề án trên là một chủ trương lớn của cả nước và cấp thiết trong bối cảnh nguồn lao động ở nước ta còn thiếu trình độ. Tuy nhiên, để đề án thành công, thực sự đi vào đời sống, đã đến lúc cần bớt đi chỉ tiêu và đào tạo căn cơ hơn, bám sát nhu cầu thực tế. |
Theo Đình Tuyển
Thanh Niên