Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, khó trăm bề

Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, khó trăm bề

Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 vừa được Thủ tướng vừa phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 250.000 người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần có sự chung tay của toàn xã hội.

Người khuyết tật học nghề điện cơ tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật TPHCM.

Khó dạy

Đến tham quan các lớp học tại Trung tâm Bảo trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tại TPHCM, chúng tôi cảm nhận được sự kiên nhẫn của các học viên đang học nghề nơi đây. Bị liệt 2 chân từ nhỏ, em Trần Văn Nhân quê ở Bến Tre, đăng ký học nghề điện cơ tại đây cho biết, với khuyết tật chi dưới, em chỉ có thể chọn học nghề với ước mơ sau nay có thể mở một tiệm sửa chữa nho nhỏ ở quê để đỡ một phần vất vả cho ba mẹ. Thầy Trần Hiệp Hưng đang dạy nghề cho người khuyết tật chia sẻ, dạy cho các em khuyết tật trước hết cần phải kiên nhẫn, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc từ từ. Rất nhiều em dễ tự ti, mặc cảm với chính mình nên chỉ cần một lời nói hay cử chỉ bất thường là các em tự ái ngay.

Cô Huỳnh Thị Ngọc Tuyền, Trưởng phòng Dạy nghề trung tâm, lý giải, người khuyết tật có nhiều hạn chế như trình độ văn hóa thấp, nhận thức chậm; tàn tật tay, chân hoặc câm điếc bẩm sinh nên khó tiếp thu. Do đó, giáo viên thường phải dạy tỉ mỉ, chi tiết, sử dụng biện pháp cầm tay uốn nắn thực hiện các thao tác theo thói quen, bám sát từng học sinh tàn tật khác nhau và điều quan trọng hơn nữa là cần quan sát thể lực và tâm lý của họ để kịp thời nắm bắt tình hình sức khỏe, có biện pháp dạy phù hợp.

Hiện tại, từ chương trình đào tạo nghề chung, các giáo viên nơi đây phải tự xây dựng riêng cho mình giáo án giảng dạy. Bên cạnh đó, quy định về thời gian đào tạo nghề đã gây khó trong việc đào tạo nghề cho người khuyết tật. Đặc thù của đào tạo nghề cho người khuyết tật là cầm tay chỉ việc, giúp các em bắt chước hành động của mình để lâu dần công việc trở thành thói quen của các em. Theo hình thức đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp, trung tâm sẽ có quy định cụ thể về thời gian học. Nếu người bình thường chỉ học trong 3 tháng là thành thạo thì với người tàn tật, khóa học phải kéo dài gấp đôi, gấp ba.

Khó tìm việc

Theo bà Nguyễn Thị Chiếu, Trưởng phòng Tư vấn giới thiệu việc làm của trung tâm, mỗi năm trung tâm giới thiệu khoảng 300 lao động khuyết tật làm việc trong các doanh nghiệp và cơ sở. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động này trụ lại tại các doanh nghiệp không cao do nhiều nơi đặt nặng về năng suất lao động. Nguyên nhân chủ yếu là điều kiện môi trường làm việc không đáp ứng được yêu cầu công việc, không phù hợp với sức khỏe của người lao động, do đó họ phải tự nghỉ việc. Một số doanh nghiệp hạn chế nhận người khuyết tật vào làm việc vì năng suất của họ làm ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, phải đầu tư lối đi, nhà vệ sinh riêng cho người khuyết tật…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết TPHCM có tổng số người khuyết tật chiếm khoảng 1% dân số. Số người khuyết tật trong độ tuổi lao động có nhu cầu việc làm hàng năm tại TP trung bình có trên 15.000 người. Bình quân mỗi năm TP thu hút trên 280.000 chỗ làm việc (trong đó 120.000 chỗ làm việc mới). Những nhóm ngành nghề có thể sử dụng nhiều người khuyết tật là công nghệ, điện - điện tử, kế toán, may, giày da, thủ công mỹ nghệ…

Nếu thực hiện đúng luật, doanh nghiệp sử dụng 2% chỗ làm cho người khuyết tật, mỗi năm thu hút khoảng 5.000 – 6.000 người. Nhà nước cũng chưa có chế tài, chưa có cơ quan nào được phân công giám sát các cơ quan hành chính, doanh nghiệp thực hiện quy định này. Đây cũng là nguyên nhân khiến người khuyết tật ít có cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp.

 

 
 

Theo Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 của Chính phủ, kinh phí dạy nghề cho người khuyết tật được bố trí trong chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề với mức hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học.

 
 

Hồ Việt

NguồnSGGP Online