Hội thảo khoa học Kỹ thuật & công nghệ xanh lần 5 - vững bước phát triển
Vào ngày 08/01/2017 Hội thảo đã được tổ chức tại trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu của nhóm nghiên cứu trọng điểm CEFT, các nhà khoa học có uy tín trong và ngoài trường, cùng các khách mời tham dự.
Các nhà khoa học tham gia Hội thảo khoa học Kỹ thuật & công nghệ xanh lần 5
Chủ tọa đoàn PGS.TS Nguyễn Văn Sức và GS.TS Đống Thị Anh Đào điều hành chương trình hội thảo
Để có thể đưa quốc gia Việt Nam phát triển bền vững, đảm bảo sự phát triển cần thiết đáp ứng được cuộc sống của người dân, vươn lên thu hẹp khoảng cách với các nước, nghiên cứu khoa học công nghệ giữ vai trò rất quan trọng. Nhóm nghiên cứu trọng điểm CEFT với nhiều công trình nghiên cứu chất lượng đang từng bước xây dựng những nền móng vững chắc trong lĩnh vực công nghệ môi trường, công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm.
Hội thảo khoa học Kỹ thuật & công nghệ xanh lần 5 là cột mốc khẳng định vai trò của các nhà nghiên cứu, của nhóm nghiên cứu trọng điểm CEFT đối với sự phát triển khoa học công nghệ Việt Nam.
Tiến sĩ Ngô Văn Thuyên, phó hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, phát biểu khai mạc hội thảo
Các báo cáo nghiên cứu tại hội thảo
Drynaether A, một hợp chất mới từ cây tắc kè đá
Nhóm nghiên cứu: Phạm Thị Nhất Trinh, Mai Đinh Trí, Đặng Chí Hiền, Nguyễn Hữu An, Phan Nhất Minh, Phạm Ngọc An, Lê Tiến Dũng
Tiến sĩ Lê Tiến Dũng, Viện công nghệ Hóa học TpHCM, báo cáo tại hội thảo
Dự báo tại Việt Nam có khoảng 5 triệu người có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến loãng xương. Dù đã có các chủng loại thuốc và quy trình điều trị, tuy vậy ngăn ngừa và điều trị loãng xương vẫn còn nhiều thách thức liên quan đến tác dụng độc hại (tác dụng phụ) của các hợp chất hóa học trong thuốc. Một trong các xu hướng nghiên cứu là chiết xuất dược phẩm từ động vật, thực vật đang được các nhà nghiên cứu thực hiện.
Một hợp chất mới là Drynaether A có khả năng tăng sinh nguyên bào xương đã được công bố trong báo cáo tại hội thảo. Hợp chất Drynaether A được tìm thấy trong quá trình chiết xuất các thành phần hóa học từ cây tắc kè đá, một chủng loại cây được người dân sử dụng điều trị loãng xương, gãy xương, kích thích mọc tóc...
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng xác định được 5 hợp chất hóa học có tác dụng tăng sinh nguyên bào xương đã được phát hiện trước đây, các hợp chất này cũng có trong cây tắc kè đá.
Dựa trên phân tích liều lượng các chất với kết quả tăng sinh nguyên bào xương, các nhà nghiên cứu đã xác định được liều lượng phù hợp để thúc đẩy quá trình tăng sinh đạt mức độ cao nhất. Kết quả cũng cho thấy liều lượng quá cao lại gây ức chế quá trình tạo xương. Các hợp chất được chiết xuất từ cây tắc kè đá có tác dụng tăng sinh mạnh mẽ hơn các hợp chất từ các chủng loại cây khác.
Nghiên cứu này mở ra một hướng mới trong việc điều trị loãng xương với các thành phần được chiết xuất từ cây tắc kè đá với khả năng hấp thu tốt, ít tác dụng phụ hơn.
Đề tài: Đánh giá khả năng hấp sinh học thuốc nhuộm Sulfur brown GD của bùn hoạt tính đã qua tái chế với axit
Tiến sĩ Nguyễn Thái Anh
Tiến sĩ Nguyễn Thái Anh, trường ĐH.SPKT Tp.HCM báo cáo tại hội thảo
Thuốc nhuộm Sulfur brown GD được sử dụng khá nhiều tại các nhà máy dệt nhuộm tại Việt Nam. Đây là loại thuốc nhuộm khá độc, tuy vậy quá trình sản xuất một lượng không nhỏ thuốc nhuộm bị thải theo nước thải vào hệ thống dẫn nước thải.
Sulfur brown GD trong nước thải khi tới hệ thống xử lý nước thải tập trung do tính độc của nó gây chết các hệ vi sinh (hệ vi sinh có vai trò quan trọng trong xử lý nước thải hữu cơ). Sulfur brown GD lắng đọng và tồn tại trong lớp bùn hoạt tính phát sinh từ công đoạn xử lý sinh học từ các nhà máy sản xuất nước thải.
Nhu cầu tái chế lượng lớn bùn hoạt tính phát sinh trong công đoạn xử lý sinh học từ các nhà máy xử lý nước thải đã trở nên cấp thiết trong giai đoạn gần đây. Tác giả tiến hành các nghiên cứu thực nghiệm đánh giá khả năng tái chế thuốc nhuộm Sulfur brown GD qua quá trình hấp thụ sinh học từ bùn hoạt tính.
Đề tài nghiên cứu đã khảo sát thành công quá trình hấp thụ sinh học dạng mẻ đối với thuốc nhuộm Sulfur brown GD trên vật liệu bùn hoạt tính đã qua xử lý với axit. Kết quả khảo sát cho thấy hướng nghiên cứu là khả thi và mở ra các hướng nghiên cứu tiếp sâu chuyên sâu hơn.
Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sấy thăng hoa chế phẩm NATTO
Trần Ngọc Khiêm, Trần Thanh Quỳnh Anh, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Đức Mạnh
NCS Trần Ngọc Khiêm, Trường ĐH Nông Lâm Huế, báo cáo tại hội thảo
Món Natto là một món ăn truyền thống của Nhật Bản được làm từ hạt đậu tương lên men. Natto có nhiều thành phần dinh dưỡng phù hợp cho sức khỏe, ngoài ra natto còn có công dụng ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, đột quy do máu đông.
Một số bệnh lý làm phát sinh các khối máu đông trong cơ thể, gây tắc nghẽn mạch máu, gây nên đột quy. Natto có thành phần làm tan huyết khối, làm độ nhớt của máu giảm xuống và từ đó ngăn ngừa đột quỵ. Do vậy, Natto được ứng dụng như một sản phẩm chức năng hỗ trợ cho người tai biến mạch máu sử dụng để phòng ngừa căn bệnh này.
Sản phẩm natto bình thường ở dạng keo lỏng gây khó khăn cho quá trình phân phối sử dụng đến người tiêu dùng. Để natto tiếp cận được tốt hơn, cần có giải pháp chế biến natto thành các chế phẩm phù hợp hơn.
Nhóm tác giả thực hiện nghiên cứu với mục đích quá trình chế biến phải bảo toàn thành phần dinh dưỡng và hoạt tính sinh học của chế phẩm Natto. Qua quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu đã xác định phương pháp sấy thăng hoa đáp ứng được với các mục đích đề ra. Sấy thăng hoa là phương pháp sấy ôn hòa, sản phẩm bảo toàn được các hoạt tính sinh học ban đầu, chất lượng thực phẩm cao so với các phương pháp sấy khác.
Nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu các yếu tố gây ảnh hưởng đến quá trình sấy thăng hoa chế phẩm Natto và xây dựng các quy trình sấy đáp ứng rút ngắn thời gian sấy, giảm chi phí năng lượng của quá trình sấy.
Kết quả đánh giá sản phẩm sấy vẫn giữ nguyên các đặc tính ban đầu của Natto. Các chiết xuất kế sản phẩm sấy được thí nghiệm trên mẫu máu đông thực tế, với kết quả là khối máu đông đã tan trong ống nghiệm.
Kết quả khả quan mở ra các hướng sản xuất thực tiễn, tạo thành các chế phẩm natto đến được với đông đảo người tiêu dùng.
Nghiên cứu sự phân hủy của RHODAMINE B bởi chất xúc tác quang hóa AgTiO2 dưới ánh sáng khả kiến.
Võ Thị Thu Như, Đỗ Quang Minh, Nguyễn Quốc Hiến
NCS Võ Thị Thu Như, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Tp.HCM, báo cáo tại hội thảo
Thuốc nhuộm Rhodamine B (RB) được sử dụng trong hoạt động dệt nhuộm, tuy vậy quá trình nhuộm một lượng không nhỏ thuốc nhuộm RB theo nước thải vào hệ thống. Để xử lý thuốc nhuộm Rhodamine B (RB) trong nước thải, nhóm nghiên cứu đã sử dụng Bạc nano pha tạp TiO2 tổng hợp bằng phương pháp chiếu xạ tia gamma, và sử dụng chất này làm chất xúc tác cho sự phân hủy quảng của thuốc nhuộm Rhodamine B.
Qua quá trình nghiên cứu, kết quả đã chứng minh rằng chất xúc tác quang hóa Ag/TiO2 phân hủy RB hiệu quả cao.
Khảo sát việc tận dụng phụ phẩm công nghiệp chế biến Cá tra ở Việt Nam
Tiến sĩ Lê Đức Trung, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, TpHCM, báo cáo tại hội thảo
Việt Nam là một trong những nước nuôi cá tra với diện tích lớn. Các nhà máy sơ chế cá tra tại Việt Nam kéo theo là một lượng lớn phụ phẩm cá tra chưa được tận dụng như: đầu, da, xương, vây, đuôi, mỡ cá, gan cá...
Việc khảo sát được thực hiện tại nhiều nhà máy chế biến cá tra ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Từ đó nhận diện các vấn đề liên quan tới các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật và môi trường mà các nhà chế biến gặp phải khi chế biến phụ phẩm từ cá tra. Trên cơ sở đó, các giải pháp đã được xây dựng bao gồm thay đổi nhận thức, cải thiện phương pháp sơ chế, đầu tư các giải pháp công nghệ hiện đại, chuyển giao khoa học công nghệ.
Nguyễn Dũng