Hướng nghiệp hay quảng cáo?

Hướng nghiệp hay quảng cáo?

Nhiều chuyên gia gắn bó với hoạt động tư vấn tuyển sinh đã nhận định: thí sinh đang rất "khát" hướng nghiệp, nhưng các em lại đang bị "bội thực" quảng cáo!

"Khát" hướng nghiệp

Nhìn vào số thí sinh (TS) tham dự chương trình ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp của một số tờ báo (thu hút hàng ngàn đến hàng chục ngàn TS), có thể thấy TS đang "khát" hướng nghiệp đến mức nào. Ngày hội tư vấn dù được tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhưng có mặt rất đông TS đến từ các tỉnh xa như Tây Ninh, Bến Tre, Kiên Giang... ThS Trần Đình Lý, một chuyên viên tư vấn hướng nghiệp khẳng định: "Học sinh (HS) phổ thông đang có nhu cầu hướng nghiệp. Đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa. Những câu hỏi đại loại như "em thích ngành này nhưng cha mẹ lại bắt học ngành khác, em phải làm sao?", được lặp đi lặp lại nhiều lần, chứng tỏ các em chưa tìm ra được phương hướng. Đáng nói là số TS rơi vào tình cảnh này lại rất đông. Số có thể tự đưa ra quyết định không nhiều".

Sự mất phương hướng còn được thể hiện ở chỗ, cho đến những ngày cuối hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) nhưng nhiều TS vẫn không thể đưa ra quyết định chọn ngành nghề. TS Đặng Quốc Minh (Lấp Vò, Đồng Tháp) mang hồ sơ ĐKDT nộp vào ngày cuối cùng, mà hồ sơ lại chưa đóng dấu giáp lai. Minh thú thực: "Ba mẹ em muốn em thi vào trường kiến trúc nhưng em thấy mình không hợp. Thiệt tình, em cũng không biết mình hợp với ngành nghề gì".

Ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên phụ trách công tác tuyển sinh của Bộ GD-ĐT thừa nhận, không ít TS đến nộp hồ sơ ĐKDT vào phút cuối nhưng rất ngây ngô và không biết gì về ngành nghề mình đã chọn. Tình hình TS nộp cùng lúc nhiều bộ hồ sơ vào các trường, các ngành khác nhau cũng cho thấy các em rất lúng túng, không tự quyết định được lối đi cho mình.

Tham dự nhiều buổi tư vấn hướng nghiệp, chúng tôi ghi nhận được rất nhiều câu hỏi mơ hồ như: "Làm thế nào để xác định chính xác ngành nghề phù hợp với mình? Em yêu thích nghề này nhưng gia đình thích em học nghề kia, phải giải quyết mâu thuẫn như thế nào? Người ta vẫn khuyên chọn nghề mình yêu thích, nhưng chưa trải nghiệm làm sao biết mình có thích nghề đó hay không?". Không ít TS mạnh dạn chọn lựa ngành, trường dự thi thì khả năng học tập lại không phù hợp.

Trước những câu hỏi như thế, các chuyên gia tư vấn đành khuyên chung chung rồi... đá quả bóng "trách nhiệm" về cho TS: "Không nên có những mong ước quá xa vời! Cần phải có cái nhìn thực tế và không mặc cảm với thực tế! Phải nỗ lực hết mình và kết quả như thế nào chấp nhận thế ấy. Bản thân mình mới là người đưa ra quyết định chọn lựa ngành nghề và chịu trách nhiệm về quyết định ấy!".

"Bội thực" quảng cáo!

Để đáp ứng cơn "khát" hướng nghiệp của TS, từ nhiều năm qua, các cơ quan truyền thông đã mở rộng công tác tư vấn hướng nghiệp. Tuy nhiên, không ít chương trình, thay vì đi sâu vào tư vấn và giải đáp những thắc mắc về hướng nghiệp cho TS thì nhà tổ chức lại để cho các diễn giả (thường đại diện cho các trường ĐH, CĐ) tranh thủ quảng cáo về trường mình, khiến chương trình không đạt được hiệu quả hướng nghiệp.

Mới đây, vì nội dung của một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP. Rạch Giá (Kiên giang) quá nghiêng về quảng cáo nên HS đã lần lượt ra về. Sợ chương trình bị "bể sô" (vì đài truyền hình địa phương phát sóng trực tiếp), ban tổ chức chương trình đã cho khóa cổng, giữ TS ở lại hội trường! Một diễn giả của chương trình cho biết: chương trình có 24 trường ĐH-CĐ và TCCN đóng tiền tham dự, mỗi trường chỉ có khoảng ba phút để... tư vấn, nên khi được cầm micro, họ tranh thủ quảng cáo về mình, bất chấp TS có muốn nghe hay không. Tất cả những câu hỏi đều được soạn sẵn và nặng mùi quảng cáo nên không thu hút TS.

Mới đây, do quá ngán cảnh "mượn hướng nghiệp để làm quảng cáo" nên nhiều HS lớp 12 đã tẩy chay chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp được tổ chức tại một trường THPT ở TP. Cần Thơ. Hôm đó, để thực hiện được việc truyền hình trực tiếp theo kế hoạch đã sắp đặt, các nhà tổ chức đã "lùa" HS lớp 10 và 11 vào... thế mạng!

Chưa kể, có tờ báo còn dùng "quan hệ" để ép HS Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.1, TP.HCM) sang Q.7 nghe tư vấn tuyển sinh. Diễn giả của chương trình hầu hết đến từ các trường dân lập - là những trường mà HS Trường chuyên Lê Hồng Phong ít quan tâm. Đã vậy, khi tư vấn họ lại thi nhau "nói hay" về trường mình nên TS đã bỏ về, khiến nhà tổ chức và các diễn giả bẽ mặt.

Tiếc rằng, những buổi tư vấn nhuốm màu quảng cáo lại khá dày đặc. Hiệu trưởng một trường THPT ở Rạch Giá, Kiên Giang ngán ngẩm: "Không có lý do gì để bắt buộc hàng trăm, hàng ngàn HS ngồi nghe quảng cáo về một trường nào đó!". Ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Sở GD-ĐT Kiên Giang cho hay: "Mùa tư vấn vừa qua, có chương trình tư vấn quá nặng về quảng cáo, câu hỏi toàn là của ban tổ chức... "mồi" sẵn. Rút kinh nghiệm, sang năm tới, chúng tôi sẽ không chấp nhận những chương trình mang tính quảng cáo, đồng thời khuyến khích các chương trình có nội dung tốt về vùng sâu, vùng xa, nơi HS rất cần thông tin hướng nghiệp".

Thiết nghĩ, các địa phương cũng nên "duyệt" trước chương trình và chọn những đơn vị uy tín tổ chức hướng nghiệp cho HS, đừng để các em lâm vào cảnh đã thiếu thông tin, lại càng thêm rối.

  • Theo Phụ nữ