Nhiều trường nghề... đắp chiếu

Nhiều trường nghề... đắp chiếu

Nhiều trường nghề ở Bình Dương xây dựng khang trang, thiết bị hiện đại... nhưng lại không có học viên.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bình Dương vừa tổ chức đợt khảo sát công tác đào tạo và dạy nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn. Trong số 53 cơ sở có đăng ký hoạt động dạy nghề, nhiều trường đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh.

 

Cửa đóng then cài 

Trường trung cấp nghề Tân Uyên xây dựng trên diện tích 1.308 m2. Ngoài 5 phòng học lý thuyết, còn có xưởng thực hành rộng khoảng 100 m2 với nhiều dụng cụ như: máy cắt kim loại, máy hàn, máy tiện... trị giá hàng trăm triệu đồng.

Mặc dù cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ thiết bị giảng dạy nhưng nhiều phòng học vẫn trong tình trạng "cửa đóng then cài”. Các thiết bị, máy móc chưa bóc tem hoặc đã lâu không được sử dụng nên hư hỏng nặng, gây lãng phí. Ông Lê Minh Thành, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Tân Uyên, cho biết: “Dù địa bàn huyện có nhiều công ty, xí nghiệp nhưng việc liên kết đào tạo, tìm đầu ra cho học viên gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các công ty, xí nghiệp đều tuyển và tự đào tạo công nhân để cung ứng nhu cầu công việc của doanh nghiệp mình”.

 

 
 

Chất lượng dạy nghề vẫn còn thấp, nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy chưa phù hợp, thiếu thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động cũng như công nghệ sản xuất của doanh nghiệp

Ông Lai Xuân Thành
Thành viên Ban Văn hóa - Xã hội  HĐND tỉnh Bình Dương

 

Tương tự, Trường trung cấp kỹ thuật Phú Giáo đầu tư khang trang thiết bị hiện đại nhưng cũng không tuyển được học viên. Năm 2011 - 2012 đào tạo dài hạn 107 người, ngắn hạn được 248. Trường đã xin mở nhiều lớp nhưng học viên đăng ký quá ít nên không thể khai giảng. Ông Phạm Hữu Phước, Hiệu trưởng trường, lý giải: “Địa bàn ít công ty, xí nghiệp nên khó liên kết đào tạo. Ngoài ra, người dân chủ yếu làm cao su, việc thu hút con em trên địa bàn học nghề gặp khó khăn”.

Qua đợt khảo sát, ông Lai Xuân Thành, thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bình Dương, cho biết: "Hiện nay, các trường nghề chủ yếu đào tạo theo chương trình, chưa chú trọng đến nhu cầu của doanh nghiệp cần trong tương lai. Nói cách khác, các cơ sở đào tạo không biết “sản phẩm” mình làm ra được thị trường, xã hội chấp nhận đến đâu. Đó là chưa nói đến chất lượng dạy nghề vẫn còn thấp, nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy chưa phù hợp, thiếu thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động cũng như công nghệ sản xuất của doanh nghiệp".

Chưa có giải pháp

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB- XH tỉnh Bình Dương, công tác đào tạo nghề còn nhiều khó khăn, đặc biệt đối với các ngành nghề phục vụ phát triển công nghiệp, như cơ điện tử, điện tử công nghiệp, cắt gọt kim loại, cơ khí, điện dân dụng, hàn…

Trước tình trạng này, có nhiều ý kiến đề nghị tìm cách vực dậy trường nghề. Trước hết, các trường dạy nghề cần phải thay đổi cách đào tạo. Một thành viên HĐND cho biết: "Để công tác dạy nghề hiệu quả, cần có sự bắt tay hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn có được nguồn nhân lực theo yêu cầu cần đưa ra những tiêu chí cụ thể để đặt hàng, ngược lại trường nghề muốn sống được phải thay đổi phương pháp cho phù hợp với yêu cầu xã hội".

Trong khi đó, theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương, để giải bài toán trường thừa, thiếu học viên cần phải thống nhất quản lý nhà nước về đào tạo nghề; xây dựng chính sách thu hút học sinh vào các trường này; chính sách hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo nghề; thống nhất bậc nghề và trình độ nghề; giảm tải quản lý công tác đào tạo theo hướng thủ công… Ông Nguyễn Phùng Trung, Phó giám đốc Sở LĐ-TB -XH tỉnh Bình Dương, nói: “Hiện nay một số trung tâm dạy nghề rơi vào hoàn cảnh không có học viên. Các biện pháp giải quyết bài toán khó này vẫn chưa được tập trung nghiên cứu để đưa ra những giải pháp khả thi. Do đó, Bộ LĐ-TB-XH cần tổ chức một hội nghị bàn về tuyển sinh nghề để tìm ra nguyên nhân và đề xuất các giải pháp cụ thể, không nên để các trường nghề dân phải cửa đóng then cài.

Tuệ Phương

Nguồn Thanh Niên Online