Những con số bất ngờ về lao động TP.HCM
Kết quả nghiên cứu thị trường lao động tại TP.HCM do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) và Viện Friedrich Ebert (CHLB Đức) công bố ngày 29.8 tại Hà Nội cho thấy, vấn đề thiếu hụt lao động (LĐ) đang ở mức khá nghiêm trọng.
4/6 nhóm ngành nghề thiếu hụt lao động cao
Cuộc điều tra được tiến hành tại TP.HCM năm 2011 với sự tham gia của 3.500 hộ gia đình. Bà Nguyễn Thị Huyền Lê, Viện Khoa học lao động và xã hội cho hay, vấn đề nhóm nghiên cứu đánh giá khá nghiêm trọng lại là thiếu hụt lao động. Cụ thể, các doanh nghiệp (DN) gặp phải tình trạng “thiếu hụt LĐ cao” tại 4 trên tổng số 6 nhóm ngành nghề chính gồm: quản lý, kỹ sư, LĐ phổ thông và thợ thủ công. 2 nhóm ngành còn lại thiếu hụt ở mức độ nhẹ và trung bình: dịch vụ khách hàng và kỹ thuật viên.
Theo kết quả khảo sát thiếu hụt LĐ, 52% chủ sử dụng LĐ ghi nhận gặp khó khăn trong tuyển dụng LĐ được đào tạo đúng ngành nghề và rất khó tuyển dụng LĐ có trình độ cao sau khi nâng cao công nghệ và đầu tư nhiều vốn sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, còn hai điểm thách thức nữa là có tới 23% người sử dụng LĐ ghi nhận rằng các kỹ năng mà LĐ được đào tạo bị lệch so với các kỹ năng mà thị trường cần và 35% ghi nhận các kỹ năng được đào tạo của LĐ mới chưa phù hợp với nhu cầu DN.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đối với một TP lớn có nền kinh tế phát triển như TP.HCM, vấn đề thất nghiệp không phải là nghiêm trọng, chủ yếu là thất nghiệp tự nguyện như: mong muốn tìm công việc có mức lương cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, cơ hội thăng tiến, địa điểm làm việc phù hợp… Còn nguyên nhân do mới bước vào thị trường LĐ chưa tìm được việc làm không nhiều (16,88%) và do DN gặp khó khăn trong sản xuất chỉ chiếm (15,58%). TP.HCM cũng là địa phương có tỷ lệ thiếu việc làm rất thấp, không đáng kể, chỉ 0,3%. Lý giải vấn đề này, bà Huyền Lê cho hay, đặc thù của thị trường LĐ Việt Nam, tình trạng thiếu việc làm chỉ xảy ra ở khu vực nông thôn.
Nhiều bất ngờ
Kết quả nghiên cứu thị trường LĐ TP.HCM không những chỉ ra những bất cập trong cung - cầu LĐ mà còn đưa ra nhiều bất ngờ. Đáng ngạc nhiên với thị trường lao động sôi động và phát triển vào loại nhất cả nước như TP.HCM vẫn còn một tỷ lệ LĐ không biết đọc, biết viết (1,5%) và tỷ lệ tương đối LĐ chưa tốt nghiệp tiểu học (7%). Con số này khá tương đồng với số liệu do Tổng cục Thống kê công bố (7,2%). Theo nhóm nghiên cứu, với số lượng không nhỏ (hơn ¼ lực lượng LĐ) còn lại chưa tốt nghiệp THCS sẽ là khó khăn cho việc tiếp cận cơ hội đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
TP.HCM cũng là địa phương có số lượng dân nhập cư đông nhất nước (chiếm 15% trong tổng dân số thành phố). Kết quả điều tra chỉ ra rằng, LĐ di cư thường ở nhóm tuổi trẻ (70% ở nhóm tuổi 15-34). Thu nhập bình quân của LĐ nhập cư là 4,2 triệu đồng, chỉ thấp hơn 100.000 đồng so với LĐ là cư dân định cư. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là ở nhóm LĐ nhập cư, thu nhập bình quân của LĐ tự làm (5,3 triệu đồng) và chủ cơ sở có thuê LĐ (21 triệu đồng), cao hơn của nhóm dân định cư thành phố (là 4,4 triệu đồng và 12,6 triệu đồng). Nhóm nghiên cứu đặt dấu hỏi: Phải chăng dân nhập cư tự làm và làm chủ chăm chỉ, chịu khó hơn?
Lương bình quân cao nhất nước Mức tiền lương danh nghĩa bình quân trên thị trường qua kết quả khảo sát là gần 4,1 triệu đồng/LĐ/tháng, khá cao so với mức bình quân chung cả nước khoảng 2,9 triệu đồng/LĐ/tháng. Tiền lương có xu hướng tăng dần theo mức tăng của các cấp trình độ chuyên môn kỹ thuật, LĐ có trình độ trên ĐH có mức lương bình quân cao nhất đạt 7,5 triệu đồng/LĐ/tháng, cao gần gấp đôi so với mức tiền lương bình quân chung. Thấp nhất là LĐ chưa qua đào tạo, đạt 2,8 triệu đồng/tháng. Tính tiền lương theo ngành, các ngành có tiền lương cao nhất là tài chính, tín dụng: 6,2 triệu đồng/tháng; sản xuất và phân phối điện, nước, khí và khai khoáng : 5,5 triệu đồng/tháng. Ngành có tiền lương thấp nhất là làm thuê cá nhân và hộ gia đình: 2,7 triệu đồng/tháng. |
Thu Hằng
Nguồn Báo Thanh Niên Online