Tư vấn hướng nghiệp và nỗi khát khao của học sinh

Tư vấn hướng nghiệp và nỗi khát khao của học sinh

Hiên nay nhiều học sinh lúng túng trong việc chọn trường, chọn ngành học để đăng ký dự thi vào đại học. Rất nhiều sinh viên học đến năm thứ hai, thứ ba, thì đã cảm thấy thất vọng trước quyết định ban đàu của mình. Vì vậy, theo một khảo sát mới đây nhất, thì đa số học sinh bày tỏ nỗi khát khao được tư vấn, hướng nghiệp để các em vững tin khi lựa chọn.

Lắng nghe những tâm sự

Long - một học sinh quê Nam Định, thi trượt đại học năm trước và đang theo học tại một lò luyện thi ở Đại học Bách khoa Hà Nội uể oải trả lời rằng, cậu ta chẳng biết mình cần gì nữa, khi được hỏi về dự định đăng ký thi đại học sắp tới. Thật đáng buồn, vì ở tuổi như Long, đáng ra phải mang một bầu nhiệt huyết hừng hực, một khát vọng cháy bỏng, ước mơ cho tương lai mới phải. Song, ngạc nhiên hơn nữa, Long lại thốt ra một câu giật mình nữa “Bây giờ em chỉ thích tiền”. Đương nhiên, thích tiền cũng là một ước mơ tốt, nhưng sao cậu ta lại không thi vào những trường thuộc ngành kinh tế? Đơn giản, cậu ta đã nghĩ rằng, thi vào Đại học Bách khoa hiện nay đang là mốt thời thượng và có phần dễ xin việc. Cậu cho biết, lần này cậu lại thi tiếp vào Đại học Bách khoa, nhưng chọn chuyên ngành CNTT. Đây cũng đang là hiện tượng phổ biến hiện nay, vì phần đông cứ thấy ngành nào có chữ “Công nghệ” như Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ vật liêu mới... là đua nhau đăng ký vào thi. Và, hậu quả là không ít bạn trẻ đã phải thất vọng vì ngành mà mình chọn không phù hợp với khả năng của mình.

 
Sinh viên học nuôi cấy mô

 

Tại một lò luyện thi khối A thuê địa điểm tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Phương - một học sinh của trường PTTH Cao Bá Quát - thị trấn Châu Quỳ - Gia lâm - Hà Nội cho biết, em cũng chưa xác định được chính xác rằng, nên đăng ký vào trường nào. Gặng hỏi mãi, Phương mới cho biết, ở nhà thì bố mẹ bảo đến trường hỏi thầy cô, còn đến trường thì thầy cô lại bảo về tham khảo ý kiến phụ huynh. Không còn cách nào khác, đành hỏi nhau, thì ai cũng như nhau, nghĩa là cũng đang trong tình trạng “như gà mắc tóc” cả.

Lại một ví dụ nữa làm chúng ta không khỏi suy nghĩ. Nếu tâm sự của Phương cũng là tâm sự chung của các bạn trẻ, thì vô hình chung việc hướng nghiệp và tư vấn học đường hiện nay đang bị coi nhẹ, cả phía nhà trường lẫn gia đình. Rốt cuộc, chỉ khổ cho các em - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Hướng nghiệp tìm ở đâu?

Tại một cuộc hội thảo “Đối thoại Pháp - á về các vấn đề hướng đi cho giáo dục hướng nghiệp tại Việt Nam” do Trường Đại học Sư phạm (ĐHQG HN) phối hợp với Viện Nghiên cứu quốc gia về Lao động và Hướng nghiệp (Pháp) tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2004, hầu hết các đại biểu đều chung một nhận xét: “chúng ta đang thiếu một khung chính sách về giáo dục hướng nghiệp và tư vấn học đường”. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thừa nhận điều này. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Nhung nhẩm tính, nếu chỉ nói riêng trong hệ thống giáo dục phổ thông và ĐH hiện có, với nhu cầu mỗi trường cần có ít nhất một cán bộ đào tạo về hướng nghiệp, thì nhu cầu nhân lực đã lên tới 10.000 người.

Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khuyết hẳn một bộ phận về tư vấn giáo dục chuyên nghiệp. Còn vấn đề hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, thì cả xã hội đang thiếu, nhưng lại chưa được quan tâm. Các bậc phụ huynh thì phó mặc cho nhà trường, nhà trường thì chưa có hành lang pháp lý về hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho các em. Một số học sinh có ý thức tự tư vấn cho mình bằng cách tự tìm đọc tài liệu, thì vấp phải thực tế là chưa có một tài liệu sách vở nào nghiên cứu, giới thiệu về trường lớp, ngành nghề đào tạo cho các em. Thử nhìn vào bộ sách hướng dẫn tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất bản hàng năm thì thấy, cũng chỉ thông tin sơ sài, xoay quanh việc giới thiệu về mã trường, môn thi, chỉ tiêu tuyển sinh và địa điểm của trường.... mà thiếu hẳn phần giới thiệu sâu về các trường, các ngành học, đặc điểm yêu cầu của ngành đó đối với người học, và nhiều thông tin cần thiết kèm theo khác như hướng dẫn các em nên học trường nào, theo ngành nghề gì là phù hợp vói khả năng điều kiện của từng cá nhân...

Vì vậy có khẳng định rằng, chưa hề có một cuốn sách nào nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề hướng nghiệp hay tư vấn học đường cho học sinh phổ thông.

Với các phương tiện thông tin đại chúng, nơi cung cấp nhiều thông tin đáng tin cậy cho mọi người, thì cũng chỉ xoay quanh việc tư vấn về tuyển sinh, mà chưa được tổ chức thành các chuyên đề, chuyên mục mang tính giáo khoa về vấn đề này.

Việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không được quan tâm đúng mức, đã phần nào làm ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng dạy và học trong các trường đại học, nhiều sinh viên đã lãng phí thời gian và tiền của trong suốt 3- 4 năm theo đuổi nguyện vọng ngoài ý muốn. Vì vậy, tương lai sự nghiệp của các em cũng kém phần sáng sủa. Trong khi chờ đợi Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chính sách hướng nghiệp, tư vấn học đường trong các nhà trường, thì hơn lúc nào hết, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu, các phương tiện thông tin đại chúng.... phải sớm có giải pháp khắc phục tình trạng cả xã hội đang “đói thông tin” về hướng nghiệp, giúp các em học sinh tự tin, mạnh dạn chọn trường thi, chọn ngành nghề theo học cho phù hợp với điều kiện, năng lực và sở thích cá nhân sao cho có hiệu quả nhất.

Theo Công Nghiệp Tiếp Thị