Nhiều trường tuyển sinh các ngành giáo viên 'kiểu mới'
Nhiều trường sẽ tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên đón đầu chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đáng chú ý trong đó là các ngành đào tạo giáo viên tích hợp, ngành ghép hoặc các môn mới chưa từng được đào tạo trước đó.
Nhóm sư phạm xuất hiện nhiều ngành mới
Theo lộ trình áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới Bộ GD-ĐT công bố, học sinh lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, tiếp tục cuốn chiếu tuần tự các lớp cao hơn để đến năm học 2024 - 2025 áp dụng toàn chương trình phổ thông. Một trong số các điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới là dạy học tích hợp để phát huy năng lực học sinh. Sự thay đổi căn bản về chương trình đào tạo so với cách dạy truyền thống trước đây đòi hỏi đội ngũ giáo viên (GV) phải thay đổi để thích nghi kịp thời. Nắm bắt nhu cầu này, các trường ĐH và CĐ đào tạo GV trong toàn quốc đã nhanh chóng cho ra đời những ngành đào tạo “kiểu mới”.
Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, năm 2021 trường dự kiến tuyển sinh thêm các ngành mới gồm: Sư phạm (SP) công nghệ, SP giáo dục công dân và giáo dục học. Trong đó, ngành SP giáo dục công dân đào tạo GV môn học này bậc THCS, THPT cho chương trình phổ thông mới. Ngành giáo dục chính trị cũ trường tuyển sinh nhiều năm nay, thì trong năm tới cũng chuyển hướng đào tạo GV cho môn học giáo dục kinh tế - pháp luật bậc THPT theo chương trình mới.
Cũng theo ông Quốc, SP công nghệ là một ngành hoàn toàn mới, thực chất là tích hợp mạch nội dung các lĩnh vực gồm công nghiệp, nông nghiệp và kinh tế gia đình. “Trước đây các trường ĐH chưa có ngành đào tạo chuyên GV công nghệ nên trường phổ thông sử dụng GV các môn khác để dạy môn học này. Do vậy, việc tuyển mới ngành này đáp ứng nhu cầu GV chuyên cho môn công nghệ”, thạc sĩ Quốc chia sẻ.
Trước đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã có một số ngành đào tạo GV tích hợp khác như: SP lịch sử - địa lý, SP khoa học tự nhiên. Các ngành này dù mới nhưng trong 2 năm (2019 và 2020) khá thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển.
Thạc sĩ Huỳnh Tổ Hạp, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, cũng cho biết năm 2022 trường này sẽ có những sinh viên đầu tiên tốt nghiệp các ngành đào tạo GV tích hợp. Từ năm 2019, Trường ĐH Sài Gòn là một trong số những trường đi đầu trong việc tuyển sinh ngành SP lịch sử - địa lý và SP khoa học tự nhiên, đào tạo GV bậc THCS theo chương trình mới. Sự xuất hiện của những ngành học mới này nhằm đáp ứng yêu cầu đặt hàng GV chương trình phổ thông mới của TP.HCM.
“Sửa” chương trình, tuyển sinh ngành ghép
Trong khi đó, ở một số trường chưa kịp tuyển sinh mới các ngành đào tạo GV tích hợp thì nhanh chóng chỉnh sửa chương trình đào tạo để sinh viên tốt nghiệp các năm tới có đủ khả năng đáp ứng theo yêu cầu mới.
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết trường đang chuẩn bị các điều kiện để có thể triển khai mở một số ngành SP theo hướng chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, ngay từ năm 2019, trường đã có những động thái điều chỉnh nội dung đào tạo để sinh viên các ngành đơn môn có thể tham gia giảng dạy chương trình tích hợp.
Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đang áp dụng cách làm này cho sinh viên theo học ngành SP cũ. Chẳng hạn, sinh viên trúng tuyển ngành SP tin học sẽ được học thêm một số học phần về công nghệ.
Ngành ghép cũng là một xu hướng được các trường đào tạo khối ngành GV triển khai để thích ứng với chương trình mới. Từ năm 2019, Trường ĐH SP (ĐH Đà Nẵng) đã mở thêm nhiều ngành đào tạo GV tích hợp để đón đầu chương trình mới, như: SP tin học và công nghệ tiểu học, SP công nghệ, SP khoa học tự nhiên, SP lịch sử - địa lý... Trường ĐH Vinh cũng tuyển mới ngành SP khoa học tự nhiên. Trường ĐH SP (ĐH Thái Nguyên) tuyển ngành SP khoa học tự nhiên.
Nhiều trường CĐ SP cũng chuyển hướng tuyển sinh các ngành ghép liên môn từ năm 2019. Ví dụ Trường CĐ Sư phạm Huế tuyển ngành SP vật lý nhưng ghép thêm hóa học, SP lịch sử ghép thêm địa lý... Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt cũng tuyển sinh ngành ghép giáo dục công dân - công tác Đội từ năm 2019.
Theo TNO