Nhiệm vụ, đối tượng, ý nghĩa của chương trình Hướng nghiệp Việt

Hướng nghiệp Việt là chương trình hỗ trợ hướng nghiệp cho các em học sinh, trong đó đặc biệt chú ý hỗ trợ hướng nghiệp cho các em học sinh khó khăn, học sinh vùng sâu vùng xa, học sinh có điều kiện không thuận lợi; ngoài ra hỗ trợ hướng nghiệp cho cả đối tượng thanh niên chưa có nghề nghiệp ổn định và sinh viên.

NHIỆM VỤ: Hướng nghiệp Việt xây dựng các công cụ, các hoạt động nhằm hỗ trợ công tác hướng nghiệp, hướng tới hỗ trợ các đối tượng cần hướng nghiệp có được định hướng và động lực cần thiết để phấn đấu đạt được một chuyên môn nghề nghiệp vững vàng, tham gia lao động nghề nghiệp, có thu nhập ổn định.

 Nhiệm vụ đặt ra ở mức độ sâu rộng, để thực hiện được cần xây dựng một chiến lược tổng thể với nhiều hoạt động phối hợp với nhau, số lượng công việc cần triển khai lớn, đòi hỏi quá trình thực hiện dài hạn và liên tục.

 

Đối tượng cần hướng nghiệp theo quan điểm của Hướng nghiệp Việt:

Hoạt động hướng nghiệp không chỉ bao gồm học sinh cuối lớp 12, mà đối tượng cần tác động còn gồm nhiều đối tượng khác. Việc xác định đối tượng ở mức độ cụ thể hơn là trọng điểm để triển khai các mục tiêu thực hiện. Hướng nghiệp Việt phân ra thành các đối tượng cụ thể như sau:

- Đối tượng là học sinh phổ thông: đối tượng này có nhiều điều kiện để tìm được định hướng tương lai. Đối tượng này được chia thành hai nhóm:

  • nhóm học sinh có định hướng tham gia lao động sớm.
  • nhóm học sinh có đủ điều kiện để tiếp tục theo học ở các cấp độ cao hơn.

- Đối tượng thanh niên chưa trải qua quá trình đào tạo ngành nghề và hiện tại không còn đi học. Đối tượng này được chia thành:

  • nhóm thanh niên là nông dân: tham gia lao động sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
  • nhóm thanh niên là công nhân đang lao động giản đơn tại các công ty, và thanh niên không nghề nghiệp ổn định.

Hiện tại lực lượng thanh niên là công nhân và nông dân chưa qua đào tạo chiếm số lượng khá đông, lực lượng này tham gia phần lớn vào quá trình sản xuất, nhưng lại có ít điều kiện và cơ hội để phấn đấu theo đuổi một ngành nghề ổn định, đời sống khó khăn. Thường là có tay nghề thấp, ít có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

- Đối tượng sinh viên - học sinh đang theo học tại các trường đào tạo ngành nghề: đối tượng này mặc dù đã theo học một ngành nghề, tuy nhiên cần phải bổ sung định hướng và động lực cần thiết để nâng cao tầm chuyên môn, mặt khác cũng cần đảm bảo quyền lợi của người được đào tạo trước những chương trình đào tạo không phù hợp.

 Ý NGHĨA:

Cốt lõi của hướng nghiệp là định hướng để cá nhân có một nghề nghiệp ổn định với khả năng chuyên môn nghề nghiệp đã được tu dưỡng. Và với nghề nghiệp đó chính là cơ sở để mỗi cá nhân ổn định cuộc sống, thoát khỏi vòng luẩn quân của sự khó khăn, thoát nghèo.

Ở mức độ rộng hơn, HƯỚNG NGHIỆP góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Hướng nghiệp đảm bảo mọi học sinh đều được trang bị kiến thức, phương pháp, công cụ và sự hỗ trợ tư vấn cần thiết để có thể xác định định hướng phù hợp cho tương lai. Mọi thanh niên chưa qua đào tạo ngành nghề (công nhân/nông dân/lao động tự do…) và các đối tượng đặc biệt (khuyết tật, cai nghiện...) được tạo điều kiện tiếp cận đẩy đủ nguồn thông tin đào tạo, hỗ trợ họ tìm nơi học tập để trang bị cho cá nhân chuyên môn nghề nghiệp phù hợp, định hướng cá nhân phát triển đủ năng lực cần thiết để tham gia thị trường lao động sản xuất, tìm kiếm cơ hội việc làm ổn định. Mọi sinh viên đều được tiếp cận môi trường thuận lợi để phấn đấu phát triển năng lực chuyên môn nghề nghiệp, đạt đến trình độ chuyên môn cao, trực tiếp và gián tiếp đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

-/-