Ngành Kỹ thuật địa vật lý
1. Giới thiệu về ngành Kỹ thuật địa vật lý
Ta hình dung quá trình điều trị bệnh của bác sỹ, muốn phẫu thuật cho bệnh nhân chính xác thì cần có hỉnh ảnh chụp X quang, chụp cộng hưởng từ hạt nhân để có hình ảnh các bộ phận bên trong cơ thể chúng ta.
Công việc của kỹ sư địa vật lý cũng tương tự như vậy. Để khai thác được các nguồn tài nguyên thiên nhiên, để hiểu biết về Trái đất, muốn phòng tránh các thảm họa thiên tai như động đất, núi lửa, cần phải có các hình ảnh bên trong Trái đất. Các kỹ sư địa vật lý đã sử dụng các máy móc thiết bị đo đạc các trường vật lý để xây dựng hình ảnh bên trong Trái đất.
2. Vai trò của ngành Kỹ thuật địa vật lý đối với sự phát triển của đất nước
Chúng ta đang sống trong thời kỳ của công nghệ 4.0, nhiều lĩnh vực đang hướng đến ứng dụng số hóa; Quá trình chuyển đổi năng lượng từ các dạng năng lượng truyền thống sang các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang diễn ra mạnh mẽ. Cùng với đó, tốc độ phát triển kinh tế và đô thị cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu cũng đặt ra rất nhiều thách thức về nhu cầu xây dựng các công trình, giải quyết ô nhiễm môi trường, phòng chống thảm họa thiên nhiên.
Địa vật lý với nền tảng về số hóa, năng lực xử lý số liệu sẽ dễ dàng tham gia và đóng vai trò thiết yếu đối với các quá trình này. Cụ thể địa vật lý có thể tham gia để giải quyết các vấn đề sau:
- Tìm kiếm, thăm dò các nguồn năng lượng, tối ưu hóa các quá trình khai thác các nguồn năng lượng hiện có hướng tới mục tiêu giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.
- Thăm dò, tìm kiếm các nguồn tài nguyên, khoáng sản sâu trong lòng đất phục vụ phát triển công nghiệp
- Nghiên cứu biển phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo
- Quản lý và khai thác hợp lý nguồn nước
- Khảo sát nền móng các công trình, quản lý không gian ngầm đô thị
- Giảm thiểu ảnh hưởng của các thảm họa thiên nhiên như sạt lở đất đá, sụt lún đất
- Nghiên cứu đất nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp thông minh
3. Tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, sinh viên theo học ngành này sẽ được đào tạo các kiến thức chuyên ngành gì để áp dụng vào thực tế công việc?
Khoa học và công nghệ phát triển với tốc độ ngày càng cao đòi hỏi người lao động phải liên tục cập nhật các kiến thức và kỹ năng mới. Do vậy, sinh viên theo học ngành Kỹ thuật địa vật lý sẽ được trang bị những kiến thức nền tảng để thích ứng tốt với những thay đổi này. Đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng.
Sinh viên ngành Kỹ thuật địa vật lý cũng được trang bị những kiến thức chuyên sâu về các phương pháp địa vật lý như thăm dò địa chấn, địa nhiệt, điện, trọng lực, từ, phóng xạ, địa vật lý giếng khoan, xử lý và phân tích số liệu địa vật lý và khả năng ứng dụng để giải quyết những nhiệm vụ thiết thực của cuộc sống.
Các kỹ năng mềm sẽ được rèn luyện trong quá trình đào tạo như kỹ năng tìm kiếm thông tin và học kiến thức mới, kỹ năng làm việc từ xa, kỹ năng làm việc nhóm. Kỹ năng phản biện và tư duy hệ thống.
4. Kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật địa vật lý làm việc ở đâu, công việc cụ thể là gì?
Vị trí việc làm:
- Kỹ sư xây dựng và quản lý dự án
- Kỹ sư khảo sát, xử lý, phân tích và khai thác dữ liệu
- Tư vấn kiểm định, thiết kế, đánh giá, và giám sát
- Nhà nghiên cứu trong các cơ quan, viện nghiên cứu và các trường đại học.
- Học sau đại học
Nơi làm việc:
Các công ty trong và ngoài nước, viện nghiên cứu, trung tâm nhiên cứu, các cơ quan quản lý nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực:
- Tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, nghiên cứu địa chất - địa vật lý biển, thăm dò các nguồn năng lượng mới như băng cháy, khoáng sản biển, khảo sát xây dựng công trình biển như cảng biển, tháp điện gió ngoài khơi, theo dõi độ bền các công trình biển.
- Nghiên cứu địa chất, tìm kiếm và thăm dò khoáng sản, nước ngầm, điều tra đánh giá tai biến địa chất, môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu
- Khảo sát đánh giá nền móng các công trình, theo dõi và giám sát các sự cố của các công trình xây dựng, khảo sát đánh giá các công trình đê đập, phục vụ xây dựng và quản lý không gian ngầm đô thị.
- Nghiên cứu các trường vật lý Trái đất, cấu trúc sâu.
- Các ứng dụng khác như trong khảo cổ học, khảo sát tìm kiếm vật liệu nổ trong lòng đất, nghiên cứu thổ nhưỡng phục vụ nông nghiệp.
Nội dung được tham khảo từ Trường Đại học Mỏ - Địa chất
Các tin bài khác về Ngành Kỹ thuật địa vật lý
Video clip liên quan Ngành Kỹ thuật địa vật lý