Kỳ 1: Thế giới ngầm ở Thành phố Sinh Viên
Hàng năm có khoảng 30.000 sinh viên (SV) từ các tỉnh đổ về sinh sống và học tập tại làng đại học (LĐH) Thủ Đức. Chính vì vậy, những dịch vụ vui chơi giải trí, quán ăn, cà phê, lò cá độ bóng đá... và những khu nhà trọ ổ chuột chen chúc mọc lên phục vụ cho giới SV. Và nhiều người còn gọi đó là "thành phố sinh viên" (TPSV)...
Hơn 10 năm trở lại đây, các băng nhóm ở TPSV khu vực giáp ranh Q.Thủ Đức - tỉnh Bình Dương trở nên nổi cộm. Không ít băng nhóm là SVở các trường ĐH trên địa bàn. Các nhóm này thường xuyên gây ra những vụ thanh toán lẫn nhau, giết người cướp của, bảo kê cá độ, ghi đề… phổ biến nhất là nạn “xin đểu”.
Ân oán, thâm thù giữa các trường
Không biết từ bao giờ mối ân oán, thâm thù giữa các trường ở TPSV đã xuất hiện và tồn tại đến tận bây giờ. Nói đến phải kể tới mối thù “không đội trời chung” giữa Trường ĐH Thể dục Thể thao (TDTT) và Trường ĐH Nông lâm TP.HCM. Từ năm 1996-2000, SV giữa hai trường này thường xuyên đụng độ ẩu đả, thanh toán lẫn nhau. Anh Lê Hữu Thành, người dân sống ở đây hơn 40 năm cho biết: “SV Trường TDTT, khóa 23-24 nổi lên nhiều bậc đàn anh khét tiếng. Chuyện đánh nhau diễn ra như cơm bữa, ngay trong nội bộ các trường cũng xảy ra tình trạng SV cũ ăn hiếp SV mới. Mỗi lần những nhóm này kéo ra quán tôi nhậu, là y như có đánh lộn, đập bàn, đập ghế, quỵt nợ. Tôi xót của lắm nhưng đâu dám nói, mấy năm sau tôi giải thể vì hết vốn”.
Trần Quốc Th. cựu SV khóa 23 (Trường ĐH TDTT) nay đã “rửa tay gác kiếm” kể: “Ngày anh còn học, chuyện đánh nhau giữa Trường ĐH TDTT với Trường ĐH Nông lâm dữ lắm. Còn trong trường, nhiều SV mới vào phải“chào” các anh khóa trên, và thực hiện nghĩa vụ như: tẩm quất, giặt đồ, nấu cơm… các SV không dám cãi lấy một lời, nếu còn muốn học ở đây”.
Cách đây mấy năm một số SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, với SV Trường ĐH Nông lâm; SV Trường ĐH TDTT với SV Trường ĐH An ninh cũng thường “gờm” nhau. Những SV này đều tập trung ở những quán nhất định. Hiện nay, SV ĐH An ninh thường ra quán Phương Vy, trường khác đến quán Tre, quán Sơri… trước cổng Trường ĐH Nhân văn. Hiện tượng này đã thành luật bất thành văn, những nhóm khác đến là có chuyện, SV của các trường muốn ra uống cà phê cũng phải dè chừng. Nhiều SV không biết ra bị “xin đểu”, hay bị kéo dằn mặt liền.
Nhiều băng nhóm từ các nơi khác cũng kéo xuống LĐH tranh giành địa bàn kiếm sống. Nổi lên các nhóm SV như: Nhóm Thủy Què, nhóm Hà Thành hay Tùng “đầu trọc”… những nhóm này đâm thuê chém mướn, hay cướp giật… Sau này khi Công an Thủ Đức truy quét quyết liệt, các trường cũng bắt đầu mạnh tay cải tổ, một số băng nhóm bị chia cắt, các thành viên di tản về các tỉnh, số còn lại sống ẩn dật tiếp tục cầm đầu một số nhóm tới ngày nay như nhóm Ph. “chim sẻ” hay nhóm Th. Trước kia mùa cá độ, đá banh, ghi đề chưa nhiều như hiện nay, các nhóm chủ yếu sống bằng đánh thuê, quậy phá đã gây không ít tai tiếng. Một số nhóm choai choai người địa phương thì làm những vụ nhỏ lộ liễu như xin đểu, cướp vặt để có tiền ăn chơi, nhậu nhẹt…
Băng nhóm hoạt động rầm rộ
Hiện nay làng đại học (LĐH) nổi lên nhiều băng nhóm tinh vi, chuyên nghiệp như: cá độ, đá banh, đòi nợ thuê, giết người, cướp của ngày càng nghiêm trọng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, LĐH có khoảng 10 nhóm từ tổ chức cá độ, ghi đề, đâm thuê chém mướn, quậy phá, cướp giật… hoạt động mạnh nhất có nhóm Ph. “chim sẻ”, nhóm của Q. và Th. hoạt động có “tiếng nói” nhất hiện nay trong giới băng nhóm SV. Nhóm của Nhí và H. “méo” cũng nổi tiếng liều lĩnh, bởi thuộc dân nghiện ngập, “đói thuốc” là đụng đâu cướp đó. Những nhóm này hoạt động chủ yếu về đêm, ngày ngủ hoặc tìm quán cà phê ngồi “thiền” hay tìm sòng. Nhóm này khét tiếng đòi nợ thuê cho các chủ như: Đ.B, A.N, bà L., ông T. hay quán ghi đề của Ông bà già… Các con nợ phần lớn là SV cá độ, hay cầm đồ…Tuy hoạt động rộng khắp và rầm rộ, nhưng các băng nhóm này kể cả các ổ tệ nạn trên dường như không bị các cơ quan chức năng để ý tới.
Ngoài ra LĐH còn một số nhóm là người địa phương. Nói tới đối tượng này phải kể đến nhóm của Cò. Tuy chỉ hơn 20 tuổi nhưng “chiến tích” của Cò đã làm các nhóm đàn anh cũng phải nể phục. Hoạt động chủ yếu của Cò là quây phá, đánh lộn, xin đểu, cướp giật của các SV học ở đây. Nhóm này ít học nên làm bề nổi, lộ liễu, chủ yếu kiếm sống qua ngày. Ngoài ra, những ngày hè này bắt đầu xuất hiện một băng nhóm nhỏ tuổi đang nổi đình, nổi đám. Nhóm này gồm một số học sinh tuổi từ 14-17, bỏ học ra LĐH xin đểu, làm giới SV ở đây rất “hãi” vì chúng làm rất trắng trợn.
Nạn cướp giật, xin đểu…
Thanh Nguyên (SV ĐH KHXH NV) kể: “Hôm trước 9 giờ tối em đi học Anh văn về vừa qua chỗ lùm cây cách cổng trường chừng 200m, có một nhóm thanh niên chặn lại lấy chiếc ví của em, trong đó tiền của ba mẹ ở quê mới gởi lên lúc chiều”. Trần Diệu Hiền (SV Khoa Kinh tế ĐHQG TP.HCM) bực bội: “Bữa đó em về quê vào, vừa bước xuống bến xe buýt thì một tên đến giật túi của em rồi nhảy lên xe chờ sẵn rú ga bỏ chạy. Trong đó có tiền cha mẹ mới bán lúa ở quê cho em mang lên đóng tiền học phí”. Bác Q. chạy xe ôm ngay bến xe buýt thở dài: “Bọn côn đồ cướp giật dữ lắm chú ơi! Chúng tôi hay người dân xung quanh không dám truy bắt sợ chúng trả thù. Nhất là vào buổi tối chúng giật xong là chạy vào Hồ Đá biến mất”.
Khu vực Hồ Đá được xem là nỗi nhức nhối nhất hiện nay ở LĐH về tệ nạn cướp giật thậm chí giết người. Lợi dụng địa bàn tối, có nhiều cây cối, các SV lại thích kéo nhau ra những tảng đá tối cho dễ bề “tâm sự trên mức bình thường” nên các băng nhóm cũng “đóng quân” ở đây cả ngày lẫn đêm. Tìm cơ hội ra tay khi các đôi SV đang “tỉ tê tâm sự”, chúng gí dao lấy ví, cướp xe là chuyện thường. Nếu SV nào dám chống cự thì bị bọn côn đồ này xô xuống vực đá thiệt mạng. Thanh Hùng (từng là nạn nhân của băng nhóm này) sợ hãi kể lại: “Em đang ngồi nói chuyện với bạn gái, bỗng dưng thấy lạnh ở cổ, quay lại mới biết bốn tên đang kề dao bắt em và bạn em đưa ví ra cho bọn chúng. May là bữa đó em đi bộ chứ không đi xe, em xin lại mấy chục ngàn đồng, còn bao nhiêu tiền em đưa hết. Từ lần đó em không dám dẫn bạn gái ra đó dù là ban ngày”.
Văn Mạnh
Nguồn www.giaoduc.edu.vn