Kỳ 4: Sinh viên “tứ đổ tường”
Hôm nào cũng vậy, khi hoàng hôn buông xuống là các quán nhậu trước Thư viện ĐH QG trở nên nhộn nhịp. Những tiếng một, hai, ba... zô; một, hai, ba... zô vang lên làm inh ỏi làm cả khu vực. Trong làn khói thuốc mù mịt, những sinh viên (SV) với "chén đệ chén huynh" lè nhè bàn tán đủ chuyện trên trời dưới đất bằng những ngôn từ tục tĩu... trông chẳng khác nào Chí Phèo của thời nay...
Đánh bài, bi da... nhậu
Vào mỗi buổi sáng, tại quán cà phê Tre, Phương Vy hay quán Sơri... trước giảng đường ĐH KHXH&NV, ĐH KH Tự nhiên, hàng trăm SV đang "sát phạt" nhau bên ly cà phê sáng. Trong các phòng trọ, tiếng í ới gọi nhau vô sòng để "giải sầu"! Kết quả cho những giờ "giải sầu" đó là một cuộc nhậu không say không về. Vì vậy, mọi nơi từ quán cà phê đến các phòng trọ của SV thường xuyên náo nhiệt, đặc biệt vào những ngày cuối tuần. Nguyễn Hồng Sơn, SV khoa Sử, ĐH KHXH&NV bỏ lá bài xuống bàn cho biết: "Đối với bọn em thời gian không thiếu, nên việc ngồi với nhau đánh bài, đánh bi da hay nhậu là chuyện bình thường...".
Quán cà phê - bi da Phương Vy là nơi tụ tập "đọ cơ" của phần lớn SV Trường ĐH An ninh. Các SV này có máu bi da nên "đánh ngày không đủ tranh thủ đánh đêm". Khi ký túc xá đóng cổng thì những SV này lại nhảy tường ra ngoài chơi, nhiều SV đánh suốt tới sáng hôm sau. Tại quán Phương Vy, các tay cơ SV thi nhau đánh, ít thì đánh vui trả tiền bàn, cao thì đánh ăn tiền, nhưng độ chủ yếu vẫn là đánh để nhậu. "Ngày trước cả ngày cả đêm em ở quán bi da. Bây giờ chơi ít rồi, hôm nay các bạn SV cùng khoa kêu ra đánh thuê với Trường TDTT để nhậu, nên em mới có mặt ở đây". Trần Anh Tuấn, Trường ĐH KH Tự nhiên cho biết.
Qua tìm hiểu thực tế, có 1.001 lý do để SV đến với nhậu: vui cũng nhậu, buồn vì điểm thi thấp, thất tình... nhậu càng dữ hơn. Nguyễn Tấn Tài (ĐH Nông lâm) uống xong ly rượu đế rồi cười khề khà nói: "Nhậu thì cần gì lý do hả anh, thích thì rủ bạn bè cùng phòng đi nhậu chơi thôi, "hợp tác xã" mà, lo gì chứ". Vì vậy, nhiều SV từ chỗ con ngoan trò giỏi, nhưng qua những năm "rèn luyện" nay trở thành cao thủ về "tửu lượng", nhiều SV ngày đêm nơi quán nhậu, có nhiều người mua bia, rượu về phòng một mình "giải quyết". Không ít SV trong số đó trở thành "phế phẩm" của xã hội.
Nam, nữ... nhậu bình đẳng (?!)
Tuấn (khoa Sinh, ĐH QG) từ một SV giỏi, thấy các bạn rủ đánh bài nhậu cho đỡ buồn, gặp ngày nghỉ nên Tuấn liền tham gia và cùng bạn bè ra quán. Sau những lần cạn chén, người đã ngà ngà say không kiềm chế được, rượu vào lời ra dẫn tới xô xát, gây lộn. Kết thúc cho lần nhậu đó là Tuấn nhận giấy quyết định buộc thôi học. Còn Tuấn Hùng (SV ĐH TDTT) cũng là một SV ngoan, vào ĐH là niềm mơ ước cả bao nhiêu thanh niên trong xóm nghèo, là niềm hi vọng của cả dòng họ. Thế nhưng chỉ một lần quá chén vào ngày lễ, Hùng đã lái xe đâm thẳng vào cột điện chấn thương sọ não, hiện nay phải sống đời thực vật tại quê nhà. Ngọc Lan (ĐH KHXH&NV) kể trong nước mắt: "Chỉ vì bồ cho "leo cây" nên em cùng nhóm bạn trong lớp ra quán giải sầu. Say xỉn không biết gì một SV nam "làm phước" chở em về. Nhưng hắn đã chở ra hồ Đá rồi... thế là hết đời con gái, từ đó em học hành không được, cứ nghĩ đến cái đêm nhậu xỉn ấy là bị ám ảnh và không biết đến bao giờ mới thoát khỏi nỗi dằn vặt này?". Còn Thanh Hằng (SV ĐH TDTT) từ chỗ không biết mùi bia rượu là gì, nay trở thành "ma men" với thành tích 1 lít rưỡi rượu đế uống trong vòng 1 tiếng. Vì vậy nhiều nhóm bạn nhờ Hằng đi nhậu thuê để khỏi trả tiền. Hiện nay Hằng được các bạn phong cho "kỳ nữ nhậu thuê" kiêm luôn biệt danh "kiện tướng thi lại" của trường.
Đáng nói là hiện nay nữ SV thi đua nhau nhậu, ngồi tại quán nhậu chúng tôi tổng hợp khoảng 40% khách vào là SV nữ. Nguyễn Tuấn Hải kể: "Chiều nào cũng thấy nữ SV Trường TDTT ra đây nhậu. "Thành tích" của các nữ SV thì một số cao thủ cũng phải "nể trọng". Nói về SV nhậu đang ngày càng gia tăng - Thu Hồng SV khoa Kinh tế ĐH QG gay gắt: "SV nam nhậu được tại sao chúng tôi lại không? Nam nữ bình đẳng rồi mà!".
Giữa đường "gãy gánh"
Khi gặp tôi vào đầu năm nhất, Quốc Kỳ (SV khoa Sinh học Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) hạ quyết tâm: "Phải học hành cẩn thận, kiếm cái bằng đại học anh ạ! Để sau này bớt khổ". Vậy mà tuần rồi tình cờ tôi gặp Kỳ đang phục vụ cà phê ở quán Không Gian thuộc làng ĐH. Với nét mặt buồn, Kỳ cho biết: "Em bị ngưng học từ đầu năm, không dám về quê sợ ánh mắt của cha mẹ và làng xóm lắm. Thời gian rảnh không biết làm gì nên em xin làm ở đây, sau này tính tiếp".
Trần Văn Tuấn (Nga Sơn, Thanh Hóa) nổi tiếng học giỏi ở huyện nhà, và đạt giải nhì tỉnh môn sinh học. Với ước mơ trở thành kỹ sư lâm nghiệp, nhưng vì tụ tập đánh nhau nên Tuấn bị đuổi khỏi Trường ĐH Lâm nghiệp Hà Tây. Tuấn ôm giấc mộng vào Sài Gòn làm lại từ đầu với đích đến là khoa Sinh Trường ĐH KH Tự nhiên TP.HCM. Tuấn thông minh, lại học giỏi vì vậy thi đậu là chuyện không khó khăn lắm. Sau khi vào học do bạn bè rủ đi nhậu nên đã gây lộn. Kết thúc cho những tháng ngày "giùi mài kinh sử" là một quyết định buộc thôi học. Gặp tôi Tuấn vẫn bình chân như vại. Tuấn hỏi tôi như năn nỉ: "Anh có biết ai thuê người làm kêu em với, kiếm tiền xài, sang năm em thi lại".
Sau hai năm vào Sài Gòn ăn học không thấy Cao SV ĐH NL về nhà ở Bình Phước, cha mẹ Cao liền cho anh hai xuống thành phố xem em mình ăn học thế nào. Mới tới nơi đã nghe bạn bè nói Cao đã bị đuổi học một năm nay rồi. Anh trai Cao như người mất hồn, chết lịm. Hỏi ra mới hay Cao nợ quá nhiều tín chỉ, tiền trường chưa đóng, thậm chí tiền nhà trọ Cao cũng đã "bỏ của chạy lấy người" vì mải mê sa đà vào rượu chè, cờ bạc...
Không phải ai cũng có thể làm lại từ đầu cho dù có quyết tâm, như trường hợp của Thắng và Hùng. Thắng kể: "Sau khi bị đuổi học, bạn bè gia đình khinh rẻ, em không dám về quê. Ở lại Sài Gòn làm phụ quán cà phê và ôn thi lại, nhưng hai năm nay rồi vẫn chưa đậu. Chỉ thương cho bố mẹ hi vọng rất nhiều vào em". Còn Thanh Hùng (quê Nghệ An) từ một SV Trường ĐH TDTT, bị đuổi học đã xin vào làm ở khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương và chờ cơ hội làm lại từ đầu. Do bị cuốn vào công việc, cùng với sự nhụt chí "lỡ lại rớt thì sao" đã gắn Hùng với đời công nhân. "Nghĩ lại thời SV sao thấy tiếc quá, giá như có thể trở lại em sẽ cố gắng hơn. Giờ đây em không đủ tự tin để làm lại từ đầu".
Văn Mạnh
Nguồn www.giaoduc.edu.vn