Diễn viên... nghề nhiều gian khổ

Diễn viên... nghề nhiều gian khổ

Sau 4 năm vất vả học tập, rèn luyện ở Trường Sân khấu điện ảnh, hình ảnh về nghề trong các bạn sinh viên K27 khoa diễn viên trường Sân khấu điện ảnh không còn là sự nổi tiếng và những ánh hào quang. Thay vào đó là những khổ luyện nhiều mồ hôi và nước mắt...



Nghề diễn khó gì?

"Lúc đầu mình vào trường vì nghĩ làm diễn viên dễ lắm, cứ diễn là diễn như thế thôi. Mình chỉ cần có cái mác là sinh viên trường sân khấu điện ảnh sẽ có cơ hội đi diễn nhiều, làm phim nhiều và nổi tiếng, có nhiều tiền, đi xe đẹp, mặc đồ hiệu..."- Nguyễn Quang Minh, sinh viên K27 vừa tốt nghiệp nhớ lại.


Giờ tập kịch của sinh viên năm thứ nhất trường SKĐA

Cao Chí Nhân, Hoàng Thị Sâm,... hay bất cứ một sinh viên nào khác của lớp diễn viên K27, khi là học sinh cấp 3, hàng năm chỉ chăm chỉ học Toán, học Văn, điều kiện tiếp xúc với nghệ thuật ít và chỉ nhìn thấy son phấn, váy áo và sự săn đón dành cho diễn viên nổi tiếng thường nghĩ rằng, nghề diễn viên có gì khó?

Khi chọn thi Trường Sân khấu điện ảnh, các bạn thú nhận: thi vào trường vì thích diễn một cách rất bản năng, thích được nổi tiếng, thấy mình đẹp hơn nhờ ánh hào quang sân khấu...

Vì chọn nghề cảm tính như vậy nên khi vào trường, giữa nhận thức trắng băng về nghề diễn viên với thực tế đòi hỏi khắt khe của lớp học, mỗi người đều thấy vô cùng choáng váng và không phải ai cũng trụ lại học cho hết được 4 năm.

Với suy nghĩ đơn giản và không đủ kiên nhẫn, đã có những người đã bỏ cuộc giữa chừng. Lớp của Cao Chí Nhân ban đầu có 22 người, nhưng đến năm thứ 4 chỉ còn 17 người, 5 người đã không thể kiên trì.

Mỗi diễn viên trẻ đứng trước thử thách của cánh cổng vào nghề đều biết rằng: Học 4 năm trong trường để có một nền tảng cơ bản cho nghề,nhưng để thành công, quá trình phấn đấu mới chỉ bắt đầu.

Quy luật đào thải của nghề diễn viên- nghề luôn luôn sáng tạo không ngừng sẽ còn tiếp tục làm nản lòng những ai không đủ niềm say mê, không ngừng học hỏi và thái độ làm nghề một cách chuyên nghiệp.

Lo người mẫu lấn sân

"Nếu người mẫu, MC, rồi thì hoa hậu cứ đi làm diễn viên thế này thì có lẽ chúng ta mất nghề, thất nghiệp mất thôi... Đôi khi, trong những cuộc nói chuyện ở lớp, mình vẫn hay đùa với các bạn như vậy."- Nguyễn Quang Minh, lớp diễn viên K27 tâm sự .

Một số chuyên gia nhận xét, "việc sử dụng diễn viên tay ngang trong nghệ thuật điện ảnh rất phổ biến. Nhưng sử dụng không vì chất lượng bộ phim, mà vì câu khách như nhiều phim truyền hình của Việt Nam thì đó là sự dễ dãi đậm tính thương mại của nhiều nhà làm phim".

Đối với một diễn viên chuyên nghiệp, rèn luyện vất vả suốt 4 năm trong Trường Sân khấu điện ảnh vẫn bị coi là quá ít thì những diễn viên tay ngang chỉ qua vài khóa cấp tốc, sơ sài, lại không có khả năng diễn xuất, chỉ bê nguyên bản thân mình lên phim, với một hình thể không thể nào thoát được thì việc khán giả bị "nuốt" những món ăn sống sượng là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, sự nổi tiếng, sắc đẹp vẫn khiến trí tò mò nhất thời của độc giả bị lôi kéo thì đạo diễn còn muốn mời mọc họ. Đất diễn dành cho các diễn viên xứng đáng hơn phần nào bị thu hẹp?.

Ngoại hình đẹp tạo nên độ hot cho nhiều hoa hậu, người mẫu để họ bước vào nghề diễn. Diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp, khá nhiều người không đẹp lắm, thậm chí bị các đạo diễn chê. Hoàng Thị Sâm thổ lộ: "Nhiều khi nhìn hoa hậu, người mẫu, mình thực sự ghen tị vì họ rất đẹp. Nhưng sự nổi tiếng nào cũng có trả giá bằng cái này hay cái khác, kể cả sự trả giá không mong muốn. Làm diễn viên không đơn giản chỉ là ngoại hình."

Cao Chí Nhân, một sinh viên giỏi và có ý thức làm nghề, đầu tư cho nghề nghiệp nghiêm túc cho rằng: "Nhiều người Việt chưa có cái nhìn đúng về nghệ thuật. Trong chốc lát người ta có thể trở thành sao, nhưng những thứ đấy không bền so với những nghệ sỹ gạo cội đã xây dựng từ những ngày lao động vất vả để có ngày hôm nay..."

Theo thầy Phan Trọng Thành, những diễn viên không đẹp, nhưng cái duyên sân khấu, duyên điện ảnh của họ, cái năng khiếu trời cho mới là điều làm họ tỏa sáng. Vì vậy, diễn viên không đẹp, không ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp của họ, mà thái độ làm nghề chuyên nghiệp, khả năng sáng tạo mới là sức sống lâu bền.

Vì vậy, đào tạo diễn viên vẫn là một công việc nặng nhọc và kén chọn người học. Ra nghề, nghề lại tiếp tục chọn lọc và đào thải.

Thầy Nguyễn Đình Thi giải thích vì sao, số lượng diễn viên tuyển vào trường hàng năm lại eo hẹp đến vậy: " Mỗi năm, khoa diễn viên chỉ tuyển nhiều nhất là 30 sinh viên. Nhiều người thắc mắc tại sao chỉ tuyển ít như vậy, trong khi nhu cầu xã hội rất lớn? Có những năm, chúng tôi không làm sao tuyển đủ được chỉ tiêu, chỉ lấy được 20, 22 sinh viên. Chúng tôi chỉ có thể giải thích rằng: Trong số những em được tuyển, chưa chắc tất cả họ rồi sẽ làm được nghề. Nếu chúng tôi lấy thêm những em khác vào, thì các em ấy làm sao có thể làm được nghề."

"Đào tạo diễn viên, thầy phải theo sát trò, nhiều khi chỉ có một thầy, một trò. Vì vậy, diễn viên không phải là ngành một năm có thể cho ra lò hàng trăm người như những nghề khác được" - thầt Thi khẳng định

NSND Hoàng Dũng, giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội: Hiện nay, những người làm nghề chuyên nghiệp đang phải tự bươn chải, tham gia những buổi diễn tư nhân để có tiền sinh sống. Vì vậy, muốn trở thành diễn viên lớn thì tình yêu nghề phải rất lớn. Các bạn phải xác định diễn viên là một nghiệp chứ không phải là phương tiện lăng xê mình để kiếm sống. Nhiều bạn đóng một, hai vai đã coi như không còn gì để phấn đấu nữa. Nhưng thời gian sẽ trả lời.
Thầy Nguyễn Đình Thi: Những năm gần đây thi 3 chung, lượng thí sinh nộp hồ sơ vào Sân khấu điện ảnh ít hơn vì đầu vào đã khó, nếu thi vào đây, các em sẽ không thể thi khối C, D ở trường khác nữa do có môn Văn phải thi theo đề và thời gian 3 chung. Vì vậy, trường đang đề nghị với Bộ GD-ĐT, cho phép trường tổ chức một kỳ thi riêng đối với môn Văn hoặc sẽ sử dụng kết quả thi Văn khi thí sinh tham gia thi vào trường khác. Như vậy, cơ hội cho các thí sinh vào trường rộng mở hơn.



Theo Nguyễn Hường (VNN)

Thầy Nguyễn Tiến Dũng
Author Thầy Nguyễn Tiến Dũng

Thầy Nguyễn Tiến Dũng sáng lập và hơn 15 năm đồng hành với mong muốn hỗ trợ được từng bạn có định hướng, có cơ hội phát triển bản thân, nghề nghiệp.