Chuyện nghề xiếc qua tâm sự của 'vua' ảo thuật mạo hiểm

Chuyện nghề xiếc qua tâm sự của 'vua' ảo thuật mạo hiểm

Ông mê ảo thuật không phải vì tiền, ông sẵn sàng lang bạt tứ phương, lên non xuống đồng bằng chỉ mong sao đưa một thông điệp nhân văn đến với người xem bằng môn nghệ thuật "biến hóa" để rồi có khi quay về chỉ hai bàn tay trắng...

Gánh xiếc "chở" một đời ngư phủ

Diệp Bảo Hiệp (57 tuổi, ngụ TP.HCM) là cái tên từ lâu đã không còn xa lạ gì với những người mê ảo thuật mạo hiểm. Tôi gặp ông giữa Sài thành trong cái nắng bỏng rát nhưng "phiêu" đi theo từng câu chuyện ly kỳ, mạo hiểm gần 40 năm bên gánh xiếc của ông. Tôi càng không hiểu được ông và câu hỏi ấy cho đến phút chót tôi mới ngộ ra, đúng với bản chất một con người yêu nghệ thuật đến độ sẵn sàng chết vì nó. Cái tôi không hiểu là bởi, ông là một ngư phủ chính hiệu của vùng biển Nha Trang mấy mươi năm nay. Ông đang sở hữu hai đội tàu xa khơi đánh cá và ông từng có mọi thứ trên đời bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần. Thế mà, ông lại chỉ nghiêng mình sang với ảo thuật, yêu nó đến cháy bỏng, mê nó đến dại khờ...

Thuở nhỏ, Diệp Bảo Hiệp đã thích ảo thuật đến mức, hễ có chút tiền là ông lại chạy đi khắp nơi tìm mua dụng cụ về nhà tự mày mò. Những năm đất nước lâm cảnh chiến tranh, Diệp Bảo Hiệp lao ra đời làm đủ thứ nghề để tồn tại. Ông lên Sài Gòn, tại nơi phồn hoa đô hội, trong những công viên, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của những người diễn ảo thuật dạo. Mỗi lần thấy cảnh đó, dù là đang bận việc nhưng Hiệp cũng phải nán lại, chăm chú theo dõi, say mê với bàn tay người diễn xuất. Hiệp lân la học hỏi, nhưng người ta bắt phải nộp tiền mới chỉ cho. Vậy là có được đồng nào, Hiệp đổ hết vào học những món nghề lẻ tẻ từ vô số những người thầy "vỉa hè".

Dần dần, tích luỹ kinh nghiệm, Hiệp nảy ra ý định kiếm tiền bằng chính cái nghề đã học được. Hiệp diễn trên sân khấu của những hội chợ tổ chức ngoài trời, người xem bắt đầu chú ý đến nghệ sĩ ảo thuật luôn có nhiều trò sáng tạo lôi cuốn người xem. Không dừng lại ở những gì đã học được, Bảo Hiệp còn tìm đến những nhà ảo thuật tầm cỡ lúc bấy giờ như Bảo Thu, Z27 và cả Tony Quang. Sự "chỉ giáo" của những chuyên gia xứng tầm này đã nâng tài nghệ của Bảo Hiệp lên thành nghệ sĩ "có sao" trong giới nghệ thuật xiếc.

Những năm đầu của thập niêm 80 của thế kỷ trước có thể nói là thời kỳ hoàng kim của các đoàn xiếc phương Nam. Và, hẳn người đời không quên một bầu xô Ngọc Giao được xem như "ông vua đại nhạc hội" một thời vùng vẫy trên khắp các vùng miền của đất nước. Trong hành trình bi tráng này luôn có mặt một nhân vật ảo thuật mang tên Diệp Bảo Hiệp.

Thế nhưng, cái nghề ảo thuật vốn dĩ từ lâu đã được xem là bạc bẽo, mặc dù sự gian truân, vất vả hiểm nguy luôn ở mức cao độ. Mải miết đi mãi, diễn mãi rồi cũng chỉ có hai bàn tay trắng quay về. Cái được duy nhất có chăng chỉ là những tràng pháo tay ròn rã của khán giả. Họ không quan tâm và cũng chẳng bao giờ nhìn thấy giọt mồ hôi, thậm chí cả máu người nghệ sĩ phía  sau sân khấu. Một thời gian dài, vì gánh nặng kế sinh nhai cho cả gia đình, Bảo Hiệp lặng lẽ rời khỏi sàn diễn. Ông quay về làm đời ngư phủ, sớm chiều lênh đênh trên biển cả. Những ngày tránh bão ở đất mũi Cà Mau, ngư dân biết tiếng ông từ lâu liền đề nghị ông diễn cho xem. Tất nhiên, ông không bao giờ từ chối. Và khi diễn xong, nhìn ánh mắt ngạc nhiên sững sờ, sự "thảng thốt" vẫn hiện nguyên trên những khuôn mặt đen sạm của các khán giả ngư dân, niềm vui ùa về, ông lại thấy thêm yêu biết bao cái nghề ảo thuật của mình.

 

Nghệ nhân xiếc mạo hiểm

Ở tuổi 57, Diệp Bảo Hiệp vẫn khẳng định được phong độ trong môn ảo thuật

Ông vua "chim bồ câu"

Lấy nghề ngư phủ nuôi nghiệp ảo thuật có lẽ chỉ có Diệp Bảo Hiệp làm thế. Đi biển vài năm, ông lại tái xuất giang hồ trong vai ông bầu cho đoàn xiếc. Rồi cũng chính từ tay ông mà gánh xiếc Đồng Tháp tránh khỏi nguy cơ tan rã. Ông lại đi khắp nơi, trên những vùng quê ông đến, người dân xem đến mê muội và có không ít lời đồn thổi ông chính là... phù thủy.

Bảo Hiệp kể về chuyến đi diễn ở trên Tây Nguyên: Đoàn của ông diễn ở những vùng có nhiều đồng bào Ê Đê sinh sống. Họ xem mà ngỡ ông là phù thủy thôi miên, bởi từ trước giờ họ nào được xem người bay, người đao phủ chém ngang mà không chết. Xong buổi diễn, khi đoàn về nơi nghỉ ngơi thì có một người phụ nữ chạy đến gần Bảo Hiệp mời ông về nhà chơi. Sau vài lần từ chối, cuối cùng ông cũng phải đến vì cô ấy mời nhiều quá. Nhưng hôm ông tới, người phụ nữ bỗng nhiên đóng sập cửa lại, không tiếp. Rồi cô ta thò đầu ra cửa sổ nói vọng ra: "Em rất thích anh, nhưng em không dám cho anh vào nhà đâu. Người ta bảo anh là phù thủy, anh vào nhà sẽ làm đồ vật trong nhà em đi theo và em cũng đi theo luôn". Nghe xong mà ông vừa buồn vừa nực cười, thì ra tập tục ở đây vẫn còn rất nặng nề.

Rồi lần khác ở Đăk Nông, đoàn của ông đang chuẩn bị đồ đạc ra về thì một anh chàng tất tả chạy lại kéo áo Bảo Hiệp. Ngồi uống hết mấy ly nước, anh ta mới cất lời: "Anh Hiệp ơi, việc này chỉ có anh giúp được em thôi. Anh giúp em với, hết bao nhiêu tiền cũng được". Ông ngạc nhiên, hỏi chuyện gì thì anh này tiếp: "Anh là phù thủy, anh làm thế nào cho vợ em quay về sống với em. Nó bỏ em đi mấy tháng nay rồi". Bảo Hiệp hết lời khuyên và cố gắng giải thích cho anh này biết, ông không phải phù thủy ma quái gì hết. Ảo thuật chỉ là môn nghệ thuật khoa học mà thôi, nếu chịu khó tập thì ai cũng làm được. Nói hoài, anh ta cũng không tin, cuối cùng bất đắc dĩ, ông nói luôn: "Vợ tôi cũng bỏ tôi đi mà tôi có làm gì được đâu. Nếu tôi có khả năng như thế thì đã kéo vợ về rồi". Anh này nghe thấy thế, mặt mày tiu nghỉu, đành buông xuôi.

Ai đã từng xem Bảo Hiệp biểu diễn hẳn sẽ dễ dàng nhìn ra những cánh chim bồ câu trắng thật tuyệt vời mà ông luôn mang theo. Chỉ bằng đôi bàn tay thô kệch, ông thổi một cái xòe bàn tay ra lập tức những cánh chim trời vỗ cánh tung bay trắng cả sân khấu. Vì thế mà, người đời đã tôn cho ông một biệt danh "ông vua bồ câu". Bảo Hiệp giải thích rằng, ông yêu bồ câu lắm. Bồ câu là biểu tượng cho hòa bình, cho sự tinh khiết trắng trong và cho lối đi tự do thỏa thê của kẻ lãng du. Việc làm ảo thuật không chỉ mang nội hàm mua vui cho đời mà sâu xa, ông muốn gửi gắm theo cánh chim bồ câu một thông điệp hòa bình, yêu thương nhân ái đến toàn thể nhân loại. Và cả những lá bài trên sân khấu nữa, trước khi kết thúc màn diễn, ông thường nán lại nhắn nhủ với khán giả một câu: "Đây chỉ là trò chơi thắng thua mà hễ chơi bạn chỉ nhận phần thua về mình thôi, đừng bao giờ bắt trước tôi nhé".

 

"Nguyện được chết trên sân khấu"

Giờ đây, khi con cái đề huề, tất cả đều khôn lớn trưởng thành và ở cái tuổi nghỉ ngơi, thư thả thì Bảo Hiệp vẫn đi. Ông đi bằng đôi chân của kẻ lãng tử mê nghệ thuật. Ông tuyên bố rằng, đời ông nếu có chết thì sẽ chết trên sân khấu chứ nhất định không bao giờ từ bỏ đam mê. Hàng đêm, ông vẫn thao thức suy nghĩ đủ trò, đủ kiểu để luôn làm phong phú mỗi lần lên sân khấu. Năm đứa con của ông cũng đang theo nghiệp của cha nhưng chẳng có đứa nào yêu như cha của chúng. Gần 60 tuổi, cuộc đời đã nhuốm đầy sương gió, nhưng nghệ sĩ Bảo Hiệp vẫn chưa có ý định "gác kiếm". Buổi nói chuyện giữa tôi và ông phải gác lại để nhường chỗ cho sân khấu, nơi ấy, người nghệ sĩ ảo thuật miệt mài "bủa vây phép màu" cho thiên hạ những tràng cười thỏa thích.

 

Huy Linh

Nguồn Nguời Đưa Tin